Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công thương) là một trong những đơn vị buộc phải chuyển mình để thích ứng với giai đoạn Việt Nam chuyển hướng nền kinh tế thị trường. Bước vào thời kỳ mới, Viện Nghiên cứu Cơ khí hầu như không còn các công việc được Nhà nước giao mà phải tự tiếp thị để có hợp đồng cung cấp máy móc, thiết bị và dịch vụ cho khách hàng.
Viện đã tập trung phát triển năng lực về tư vấn, thiết kế, công nghệ cao nhằm có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình dự án; thiết kế, chế tạo được những máy móc thiết bị công nghệ cao. Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Nghiên cứu Cơ khí cho biết, đơn vị đã liên danh, liên kết với các công ty trong và ngoài nước để học hỏi và nhận chuyển giao công nghệ. Đến nay, Viện đã tham gia thiết kế, chế tạo, cung cấp thiết bị cho hơn 30 dự án thủy điện với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cũng trải qua hành trình tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm công nghệ "Make in Việt Nam", Công ty cổ phần Lumi Việt Nam là một trong những thương hiệu nhà thông minh (smarthome) có hơn 135 nhà phân phối toàn quốc và hơn 40 nghìn khách hàng. Ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc điều hành cho biết, khi công ty ra đời, doanh nghiệp dành 50% thời gian cho việc nghiên cứu sản phẩm.
Trong bối cảnh cạnh tranh chung của thị trường, các doanh nghiệp công nghệ "Make in Việt Nam" nói chung, doanh nghiệp smarthome nói riêng gặp không ít khó khăn cả về nghiên cứu, sản xuất và bán hàng. Nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng chưa biết đến hoặc có rất ít thông tin về việc nhà thông minh đã có nền tảng tại Việt Nam. Một trong những rào cản lớn nhất của người tiêu dùng khi tiếp cận với sản phẩm smarthome là chưa có đủ thông tin và người dùng lo lắng về độ tương thích giữa các thiết bị, tính ổn định và bảo mật thông tin.
Khi các sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam" giải quyết được những nỗi lo này bằng nhiều cách khác nhau thì người dùng sẽ dành niềm tin cho các sản phẩm trong nước. Chính vì thế, Công ty cổ phần Lumi Việt Nam đã đào tạo nguồn nhân sự IoT chất lượng để phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm và cung cấp nguồn nhân sự IoT cho xã hội thông qua các hoạt động hợp tác đào tạo với các trường đại học lớn trong toàn quốc.
Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, Công ty cổ phần Nafoods Group cũng đã làm chủ quy trình chế biến chanh leo. Hơn 10 năm trồng thử nghiệm, cây chanh leo đã có vùng trồng tại Nghệ An, cùng quy trình chế biến, xuất khẩu. Hiện tại, Nafoods có sáu loại giống chanh leo, sản phẩm từ cây chanh leo xuất khẩu đi 70 nước trên thế giới.
Có thể thấy, nhờ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo các chuyên gia, thời gian tới, cần có nhiều doanh nghiệp làm chủ công nghệ nền để vươn tầm khu vực và thế giới.
Năng lực nghiên cứu cần được nâng cao, hình thành năng lực sản xuất mới có khả năng thích ứng, chống chịu với thị trường. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần được khuyến khích thành lập để đảm nhiệm tốt vai trò là trung tâm nghiên cứu phát triển.