Sáng 16/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, từ ngày 20/9, doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” tiếp tục thực hiện các phương án đã đăng ký. Ngoài ra, doanh nghiệp được lựa chọn thêm các nội dung, gồm:
Thực hiện hoán đổi hoặc bổ sung công nhân lao động để duy trì sản xuất, nhưng phải bảo đảm không có trường hợp F0 trong 14 ngày trước khi thực hiện hoán đổi; công nhân được hoán đổi ra, vào doanh nghiệp hoặc bổ sung vào doanh nghiệp bảo đảm ở khu vực “vùng xanh”, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine hoặc đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 180 ngày.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, các doanh nghiệp phải phối hợp chính quyền địa phương nơi người lao động đi, về hằng ngày bảo đảm các điều kiện: 7 ngày đầu tiên tổ chức cho từ 10-20% tổng số lao động của doanh nghiệp đi về hằng ngày, sau đó cứ 7 ngày tăng thêm từ 10-20% cho đến khi hết số lượng lao động của doanh nghiệp; doanh nghiệp không có trường hợp F0 trong vòng 14 ngày trước khi thực hiện và phải bảo đảm an toàn cho người lao động; tổ chức đi lại cho công nhân hằng ngày không để lây nhiễm; người lao động được đi, về hằng ngày phải ở khu vực “vùng xanh” của địa phương; doanh nghiệp chủ động thực hiện xét nghiệm định kỳ.
Riêng những doanh nghiệp không thực hiện “3 tại chỗ” trước đây, hiện có nhu cầu hoạt động trở lại hoạt động thì chọn một trong hai phương án: Thực hiện đăng ký phương án “3 tại chỗ”; “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc kết hợp linh động cả hai phương án trên, bảo đảm các quy định phòng dịch.
Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, hơn hai tháng qua, tỉnh Đồng Nai đã cho phép 1.122 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp với khoảng 140.000 lao động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Quá trình áp dụng phương án sản xuất này đã có 61 doanh nghiệp với 1.746 người lao động nhiễm bệnh, trong đó đã điều trị khỏi bệnh 1.234 ca.