Khẳng định sự quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước, để vùng đất bazan có diện mạo tươi mới như hôm nay, nhiều già làng, người có uy tín ở Đắk Lắk kịch liệt lên án hành vi khủng bố, gây mất an ninh trật tự vừa qua và kêu gọi đồng bào các dân tộc trên địa bàn tăng cường đoàn kết, xây dựng buôn làng giàu đẹp.
Phải luôn đi theo con đường sáng
Những ngày cuối tháng 6, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đã trở lại bình thường, người dân yên tâm lên nương, lên rẫy sản xuất, chăm lo cuộc sống.
Trở về các buôn làng, chúng tôi được nghe bà con dân làng bất bình lên án vụ việc một số đối tượng bị những kẻ “lầm đường, lạc lối” xúi giục, kích động tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin vào rạng sáng 11/6, gây hậu quả nặng nề; đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng nghiêm trị để răn đe, giáo dục, không để xảy ra những vụ việc tương tự.
Đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn thấu hiểu sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân vùng Tây Nguyên.
Qua câu chuyện với chúng tôi, các già làng, người có uy tín ở nhiều buôn làng khẳng định, sau ngày đất nước thống nhất, từ một vùng đất hoang sơ, heo hút, được sự quan tâm đầu tư toàn diện của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đến nay Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh phát triển vượt bậc về mọi mặt; các khu đô thị sầm uất, các buôn làng ngày càng đổi mới, những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều giữa núi rừng Tây Nguyên trùng điệp.
Đồng chí Y Luyện Niê Kđăm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, trú tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin chia sẻ: “Do bị xúi giục, kích động cho nên các đối tượng “lầm đường, lạc lối” gây ra hậu quả hết sức nặng nề, làm mất an ninh trật tự ở cơ sở, có tội lớn với Đảng, với nhân dân. Tôi luôn khuyên đồng bào không nghe, không tin, không làm theo lời kẻ xấu dụ dỗ, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tăng cường đoàn kết xây dựng buôn làng giàu đẹp, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là con đường sáng”.
Tôi luôn khuyên đồng bào không nghe, không tin, không làm theo lời kẻ xấu dụ dỗ, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tăng cường đoàn kết xây dựng buôn làng giàu đẹp, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là con đường sáng.
Đồng chí Y Luyện Niê Kđăm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk
Ông Ama H’Măng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, cho biết, sau khi nghe thông tin sự việc xảy ra ở huyện Cư Kuin, biết được trên địa bàn xã Cư Pơng có nhiều người tham gia vụ việc, khiến ông rất buồn và phẫn nộ: “Các đối tượng này đã hoàn toàn sai và có tội với Đảng, Nhà nước, nhất là sai với người dân Cư Pơng anh hùng, chúng đã làm vấy bẩn, phá hoại công sức của mọi người đã xây dựng nên từ trước đến nay”.
Ông Ama H’Măng tâm sự, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đồng bào xã Cư Pơng luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng bà con luôn đoàn kết, cống hiến sức người, sức của cho cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, quân và dân Cư Pơng tích cực đấu tranh xóa bỏ Fulro...
Năm 1994, xã Cư Pơng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. “Đồng bào các dân tộc trong xã luôn đoàn kết cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng bình yên, no ấm. Hiện nay, xã Cư Pơng đã gần hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, bà con rất tự hào về truyền thống cách mạng”, ông Ama H’Măng tự hào.
Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk H’Kim Hoa Byă, sau vụ việc ở Cư Kuin, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định tình hình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời, có giải pháp quyết liệt phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Già làng Y Pri Niê, dân tộc Ê Đê ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, cho biết, sự việc ngày 11/6 ở huyện Cư Kuin gây bức xúc và phẫn nộ trong nhân dân, nhất là các già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc ở Đắk Lắk nói riêng và cả vùng Tây Nguyên.
Sự việc ngày 11/6 ở huyện Cư Kuin gây bức xúc và phẫn nộ trong nhân dân, nhất là các già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc ở Đắk Lắk nói riêng và cả vùng Tây Nguyên.
Già làng Y Pri Niê, dân tộc Ê Đê ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar
“Đồng bào Tây Nguyên luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ về tinh thần đoàn kết các dân tộc. Các già làng, người có uy tín đại diện các dân tộc tại Tây Nguyên đã đồng lòng xây dựng và thực hiện “quyết tâm thư”, với năm nội dung cốt lõi, thể hiện niềm tin sắt son, một lòng theo Đảng, Bác Hồ như đi theo ánh sáng mặt trời”, già làng Y Pri Niê quả quyết.
Trái ngọt của sự nỗ lực và đoàn kết
Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, sau ngày đất nước thống nhất đến nay, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Từ thành thị đến nông thôn ngày càng có nhiều khu đô thị, buôn làng khoác lên diện mạo mới; trạm y tế, trường học, nhà văn hóa cộng đồng… được xây dựng khang trang.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung thông tin, chỉ tính trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra và đạt được những kết quả, thành tựu nổi bật.
Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,73%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2023 cao gấp 1,25 lần so với năm 2020; huy động vốn đầu tư toàn xã hội hơn 112,9 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 63% kế hoạch 5 năm; toàn tỉnh có 75 trong số 152 xã đạt chuẩn nông thôn mới; GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,3 triệu đồng.
Các nghị quyết nêu trên cùng với Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả vùng Tây Nguyên.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhấn mạnh, Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động cao nhất các nguồn lực, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt các chính sách dân tộc; chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk H’Kim Hoa Byă cho biết, bao đời nay, đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên luôn tin tưởng và đoàn kết theo Đảng, theo cách mạng để xây dựng buôn làng giàu đẹp, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
“Chúng tôi tin tưởng, với truyền thống cách mạng, tinh thần anh hùng bất khuất, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên luôn đoàn kết một lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, tham gia tích cực vào phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, yên tâm lao động, sản xuất, góp phần vào sự ổn định, phát triển của quê hương, đất nước”, đồng chí H’Kim Hoa Byă tin tưởng.