Dở dang đại dự án bên sông Cầu

NDO -

Với tham vọng trị lũ lụt sông Cầu, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại 2 bờ sông dài hàng chục km, những cây cầu đẹp, khai thác quỹ đất rộng lớn hai bên nhằm phát triển thành phố Thái Nguyên bên sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt dự án với tổng vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đang triển khai thì hủy bỏ, nhiều hạng mục dở dang, lãng phí.

Đê sông Cầu xây dựng dở dang, lãng phí lớn.
Đê sông Cầu xây dựng dở dang, lãng phí lớn.

Vào mùa mưa lũ, sông Cầu trở nên hung tợn, lũ lụt làm thiệt hại tài sản, đe dọa tính mạng người dân, nhất là đoạn chảy qua thành phố Thái Nguyên. Lấy sông Cầu làm trung tâm, tỉnh Thái Nguyên chủ trương khai thác quỹ đất rộng lớn là làng mạc, đồng bãi để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên bờ sông qua thành phố Thái Nguyên dài hàng chục km. 

Phê duyệt không đúng thẩm quyền

Để làm được điều đó, phải trị lũ sông Cầu bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật là kè, đê, đường hiện đại, bền vững, xây những cây cầu bắc qua sông. Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, ngày 12/8/2016, HĐND tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết 17/NQ-HĐND thông qua chủ trương đầu tư dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị 2 bên bờ sông Cầu (Dự án Sông Cầu), gồm 9 dự án thành phần theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BT, có tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của nhà nước tham gia dự án để giải phóng mặt bằng là 3.143 tỷ đồng. 

Tháng 12/2016, tỉnh làm lễ khởi công, tiến hành triển khai Dự án Sông Cầu. Sau đó, ngày 27/10/2017, HĐND tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết 25/NQ-HĐND thông qua chủ trương đề xuất của UBND tỉnh, chuyển từ “Dự án” thành “Đề án”. Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, tỉnh Thái Nguyên dự kiến sẽ thanh toán bằng nhiều lô trên địa bàn thành phố và quỹ đất được tạo ra từ Đề án Sông Cầu.

Sau lễ khởi công ấn tượng, nhà đầu tư Đề án Sông Cầu là liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 điều động máy móc, thiết bị, vật tư, nhân lực xây dựng đê, kè, đường, thi công một đoạn đường mẫu. Sau đó tạm dừng để hoàn thiện hồ sơ và Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc quản lý đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó có Đề án Sông Cầu. 

Ngày 15/7/2021, Thanh tra Chính phủ công bố Thông báo số 1113/TB-TTCP kết luận thanh tra, trong đó khẳng định, Dự án Sông Cầu thuộc nhóm A, theo quy định, cơ quan lập đề xuất dự án là UBND tỉnh Thái Nguyên, cơ quan thẩm định đề xuất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt dự án là trái thẩm quyền. Mặt khác, không có quy định về việc chuyển Dự án PPP thành Đề án PPP, không có quy định về việc phê duyệt Đề án PPP gồm các dự án PPP thành phần. 

“Đắp chiếu” đến bao giờ ?

Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố thông báo kết luận thanh tra, khẩn trương sửa sai, kỳ họp lần thứ 2 (từ ngày 10 đến 12/8/2021), HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 17 và số 25 về Dự án và Đề án Sông Cầu mà HĐND tỉnh khóa XIII đã ban hành năm 2016, 2017. 

Thông báo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề nghị, đây là dự án đòi hỏi mức đầu tư lớn, trong khi nguồn lực địa phương có hạn nên chỉ có thể đầu tư một phần. UBND tỉnh Thái Nguyên cần nghiên cứu, có quy hoạch phù hợp, tạo quỹ đất phát triển, từ đó có biện pháp huy động các nguồn lực xã hội để có thể thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất được tạo ra để có kinh phí thực hiện dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Đến nay, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng đê, kè, đường, nay trở nên dở dang, những hàng cốt thép han gỉ nằm dưới bờ sông cây cỏ phủ kín, ai qua lại cũng thấy xót xa, lãng phí. Đê mới xây dở dang, trong khi nhiều đoạn đê cũ đã phá, đắp đất tạm bợ làm cho người dân thành phố, nhất là dân cư dọc bờ đê bất an khi mưa lũ trên sông Cầu dâng cao. 

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cho biết, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về hủy bỏ Dự án và Đề án Sông Cầu được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT, nhưng sẽ tiếp tục triển khai các công việc chỉnh trị sông Cầu và các công trình hạ tầng kỹ thuật hai bờ sông, vì điều đó là cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chỉnh trang đô thị Thái Nguyên. 

Tuy nhiên, người dân băn khoăn không biết công trình dở dang ngổn ngang đến bao giờ, tỉnh giải quyết các tồn tại như thế nào, huy động nguồn lực ở đâu và bao giờ thì tái khởi động công việc chỉnh trang, xây dựng hệ thống hạ tầng hai bên sông để bảo vệ cuộc sống người dân trong mưa lũ.