Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên. Khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động (LĐ) bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% LĐ bị ảnh hưởng. Tỷ lệ LĐ bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
Lực lượng lao động trong độ tuổi giảm gần 850 nghìn người
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), tính chung năm 2020, lực lượng LĐ từ 15 tuổi trở lên ước tính đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Sự suy giảm này chủ yếu từ lực lượng LĐ ở khu vực nông thôn, do con số này giảm hơn 1,1 triệu người so với năm trước.
Lực lượng LĐ trong độ tuổi LĐ năm 2020 ước tính là 48,3 triệu người, giảm 849,5 nghìn người so với năm trước. Con số LĐ trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,5 triệu người, chiếm 34,1%. Số LĐ nữ trong độ tuổi LĐ đạt 21,9 triệu người, chiếm 45,4% lực lượng LĐ trong độ tuổi của cả nước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng LĐ năm 2020 ước tính khoảng 74%, giảm 2,8% so với năm 2019. Tỷ lệ này với nữ là 68,7%, thấp hơn 10,9% so với nam (79,6%). Tỷ lệ tham gia lực lượng LĐ ở thành thị là 64,8%, trong khi ở nông thôn là 79,7%.
Tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%, cao hơn 1,3% so với năm 2019. Con số này ở khu vực thành thị là 39,9%, trong khi ở khu vực nông thôn là 16,3%. Sự khác biệt đáng kể này là do lao động ở khu vực thành thị có điều kiện tham gia đào tạo hơn so với lao động khu vực nông thôn. Mặt khác, đặc thù công việc ở khu vực thành thị đòi hỏi lao động phải có kiỹ năng, tay nghề cao. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn lao động chủ yếu làm công việc giản đơn trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong tổng số 18,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường LĐ (ngoài lực lượng LĐ) của quý IV năm 2020, có 8,4 triệu người trong độ tuổi LĐ. Gần 60% trong số 8,4 triệu người này không tham gia lực lượng LĐ vì đang đi học (tập trung chủ yếu ở nhóm 15-19 tuổi), hơn 25% đang làm nội trợ, 70% do ốm đau lâu dài, thương tật hoặc khuyết tật. Còn lại gần 8% là vì các lý do khác như nghỉ hưu/nhận trợ cấp hoặc không có nhu cầu làm việc,....
Tính chung năm 2020, cả nước có 19,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động, tăng 2,3 triệu người so với năm 2019. Trong đó số người trong độ tuổi lao động là 8,9 triệu người. Trong số 19,1 triệu người ngoài lực lượng lao động này, có đến 74,1% nằm trong độ tuổi từ 15-19 tuổi và 60 tuổi trở lên (nhóm tuổi học sinh, sinh viên và lao động ở độ tuổi nghỉ hưu).
Đại dịch làm tăng lao động phi chính thức
Tính chung cả năm 2020, số LĐ có việc làm phi chính thức (PCT) là 20,3 triệu người, tăng 119,1 nghìn người. Số LĐ có việc làm chính thức là 15,8 triệu người, giảm 21,1 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ LĐ có việc làm PCT năm 2020 là 56,2%, cao hơn 0,2% so với năm 2019.
Tình trạng tỷ lệ LĐ có việc làm PCT tăng cao trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2016-2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, bình quân LĐ chính thức tăng 5,6%/năm, LĐ PCT tăng 3,6%/năm. Tốc độ tăng LĐ chính thức cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng LĐ PCT, kéo theo tỷ lệ LĐ có việc PCT giảm dần qua các năm.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp trong đó có cả các biện pháp tinh giảm LĐ (cắt giảm, nghỉ luân phiên,…), tuyển dụng LĐ thời vụ, LĐ tạm thời để duy trì hoạt động. Điều này làm số LĐ chính thức giảm và số LĐ PCT tăng, dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ LĐ có việc làm PCT trong năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm.