Nhiễm trùng hô hấp vì thời tiết lạnh, ẩm
Thời tiết nồm ẩm kéo dài khiến những người cao tuổi, đặc biệt người mắc bệnh lý tim mạch, hô hấp, thần kinh... bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những ngày qua, số bệnh nhân cao tuổi đến khám tăng vọt. Riêng tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, từ sau Tết đến nay số bệnh nhân nhập khoa tăng 150%.
"Hầu hết trường hợp mắc bệnh lý cấp cứu của người cao tuổi như tim mạch, hô hấp, thần kinh. Trong đó, bệnh lý nhiễm trùng hô hấp chiếm khoảng 70% tổng số ca bệnh", Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết.
Chuyên gia này cho hay, thời tiết lạnh kèm nồm ẩm khiến cho những người cao tuổi, người có bệnh nền bị suy giảm miễn dịch nặng nề.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng lý giải, thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện virus và vi khuẩn phát triển, cũng là mùa đáng ngại nhất với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, đột quỵ, tim mạch. Thời tiết thay đổi liên tục trong ngày như sáng mưa phùn kèm sương mù, trưa hửng nắng, tối mưa lạnh khiến cơ thể người cao tuổi khó thích nghi kịp, càng dễ nhiễm bệnh.
Bệnh lý nhiễm trùng hô hấp chiếm khoảng 70% tổng số ca bệnh cấp cứu. |
Độ ẩm cao, không khí lạnh là yếu tố nguy cơ dẫn đến khởi phát các đợt phổi cấp, suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng người cao tuổi, nhất là người có bệnh lý nền.
Đặc biệt, ở người người cao tuổi, chức năng các cơ quan cũng yếu hơn, do đó, khi tiếp xúc với lạnh, mạch máu dưới da không đủ giữ ấm, cơ thể nhanh mất nhiệt, hệ thống bó mạch ở mũi suy giảm, có tổn thương. Lúc này, không khí nồm ẩm mang theo vi khuẩn đi vào qua đường mũi, khiến hàng rào bảo vệ mũi suy giảm, từ đó đi vào trong phổi, gây bệnh.
Bên cạnh đó, số người tổn thương phổi sau nhiễm Covid-19 khá nhiều. Người già thường mắc nhiều bệnh nền, suy giảm đề kháng, phải uống nhiều thuốc ức chế miễn dịch như gout, viêm khớp dạng thấp, ung thư, nên càng dễ mắc bệnh.
"Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chủ yếu do chủ quan, xem nhẹ dấu hiệu sớm, đến khi trở nặng mới nhập viện, phải can thiệp hồi sức tích cực", bác sĩ Thắng cảnh báo.
Bác sĩ khuyến cáo trong điều kiện thời tiết như hiện nay, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài và luôn bảo đảm cơ thể được giữ ấm.
Gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm để không khí được khô thoáng.
Thường xuyên vệ sinh họng và môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
Sử dụng khẩu trang khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi. Hạn chế lưu thông những lúc đường đông, tránh khu vực ô nhiễm.
Tập luyện thể dục phù hợp, nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Hạn chế tập lúc sáng sớm hay tập luyện quá sức để tránh nguy cơ nhiễm lạnh hoặc đột quỵ.
Ngoài ra, người già tránh tâm lý chủ quan, dùng thuốc không điều độ, tự ý bỏ thuốc hoặc trì hoãn so với ngày thường.
Gia đình cần chú ý và nhắc nhở người cao tuổi sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi có dấu hiệu như ho, khạc tăng, sốt cần đi khám, can thiệp sớm, hiệu quả điều trị cao hơn.
Da bị tấn công bởi virus, vi khuẩn
Thời tiết nồm ẩm khiến virus, vi khuẩn phát triển mạnh, tấn công da khi mọi người không có những biện pháp phòng tránh nồm ẩm trong gia đình.
Theo bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, những ngày qua, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân mắc các bệnh da liễu liên quan đến yếu tố thời tiết. Đáng nói, nhiều trường hợp chủ quan không đi khám dẫn tới biến chứng khó lường.
Chị Hoàng Thị Nh. (Thanh Xuân, Hà Nội) cho con trở lại tái khám lần 2 trong mùa đông-xuân năm nay. Chị Nh. cho biết, con trai chị (9 tuổi) có tiền sử viêm da cơ địa, nhưng cứ đến thời tiết thay đổi thường xuyên bị mẩn ngứa. Lần này, những nốt mẩn ngứa lan rộng ở môi, hai bên má khiến cháu thường xuyên khó chịu, gãi nhiều gây trầy xước.
Anh Triệu Hoàng C. (Thanh Trì, Hà Nội) liên tục nổi vết sẩn ngứa. Ban đầu, anh nghĩ do côn trùng đốt gây ra những vết tròn gây ngứa, tấy đỏ. Nhưng sau đó, những vết ngứa tiếp tục lan rộng ở những chỗ khác khiến anh phải đến viện khám tìm ra nguyên nhân.
Mẩn đỏ, bong tróc toàn bộ vùng da, bệnh nhân 72 tuổi được chẩn đoán ban đầu viêm da tiếp xúc. Tình trạng này xuất hiện khoảng chục ngày nay nhưng ông không đi khám, vết mẩn ngứa đã lan lên cả da đầu. Hiện ông đang chờ kết quả sinh thiết.
Lấy bệnh phẩm soi tươi để tìm nấm cho bệnh nhân. |
Theo bác sĩ Giang, bệnh nhân này xuất hiện sẩn, rát đỏ, ngứa nhẹ thì cho rằng đây là tình trạng da đơn giản, cho là thay đổi thời tiết. Sau đó, bệnh nhân tự ý mua thuốc, sử dụng những bài thuốc truyền miệng, phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng khoa học làm tình trạng da không những không cải thiện mà còn nặng lên.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mùa nồm ẩm, thường bệnh lý tăng nhiều nhất là nấm da. Ngoài ra, mọi người có thể gặp một số bệnh liên quan đến virus như zona, herpes, hoặc bệnh liên quan đến vi khuẩn như chốc, viêm nang lông.
Với nấm da, biểu hiện ở bề mặt da có đám ngứa đỏ, lan rộng dần, làm người bệnh khó chịu... Những người có tiền sử bị nấm sẵn khi vào mùa nồm ẩm sẽ tăng triệu chứng.
Với bệnh do virus, nhiễm khuẩn luôn có biểu hiện rõ ràng là sốt, ho, viêm long đờm hô hấp trên, tổn thương ngoài da như phát ban, mụn nước. Những bệnh về da liên quan tới virus tiến triển tương đối nhanh, cấp tính.
Do đó, để phòng tránh bệnh về da trong mùa nồm ẩm, bác sĩ Minh khuyến cáo mọi người, để không mắc nấm, mọi người cần sấy quần áo khô trước khi mặc. Trong nhà nên dùng máy hút ẩm, hoặc có biện pháp làm giảm độ ẩm trong nhà như dùng khăn lau khô sàn nhà, cửa kính, thay chăn ga gối thường xuyên hơn.
Soi bệnh phẩm trên kính hiển vi để tìm sợi nấm. |
Với những trường hợp mắc bệnh về da liên quan virus, vi khuẩn, để tránh phơi nhiễm, mọi người cần nâng cao thể trạng như tránh nơi đông người, uống vitamin để nâng cao sức đề kháng để bớt nguy cơ bị bệnh, bớt những biến chứng.
Các chuyên gia khuyến cáo, các bệnh da liễu như nấm da có thể tái lại nếu như không điều trị dứt điểm. Những lần tái phát sau còn nặng hơn lần trước. Do đó, khi thấy những dấu hiệu bất thường xuất hiện trên da cần đến cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.