Chủ động phòng bệnh mùa nồm, ẩm

Tình trạng thời tiết nồm, ẩm xuất hiện cuối mùa đông, đầu mùa xuân tại các tỉnh miền bắc khiến số người mắc các bệnh về hô hấp gia tăng. Theo dự báo, thời tiết này còn kéo dài đến hết tháng 3, do đó người dân cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em mắc các bệnh về hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trẻ em mắc các bệnh về hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Những ngày qua tại Hà Nội có mưa phùn, độ ẩm không khí duy trì hơn 95%, có thời điểm đạt đến 97%. Thời tiết nồm, ẩm không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Độ ẩm không khí cao gây tụ hơi nước trong nhà, nhất là trên sàn, thảm, kính cửa sổ, khiến nấm mốc và các loại vi-rút, vi khuẩn phát triển mạnh, gây các bệnh như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi, hen suyễn... ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Theo thống kê tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), những ngày gần đây, số bệnh nhi đến khám tuy không tăng đột biến so với ngày thường, nhưng lại rất đáng chú ý bởi bệnh tập trung vào nhóm bệnh viêm phổi, tiểu phế quản, hen suyễn. Chị Lê Thị Bích Ngọc (trú quận Đống Đa, Hà Nội) có con đang điều trị viêm phổi chia sẻ: "Ban đầu cháu chỉ ho nhẹ, sang đến ngày thứ ba, cháu thở mạnh, quấy khóc và ho liên tục. Gia đình đưa cháu vào khám tại bệnh viện thì được bác sĩ chỉ định cho cháu nhập viện điều trị luôn".

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi thời tiết lạnh quá hay nồm, ẩm như hiện nay, trẻ em do sức đề kháng kém rất dễ ốm. Theo bác sĩ Nam, nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện cho các vi-rút gây bệnh đường hô hấp phát triển gây bệnh... Các nấm mốc, vi nấm phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, chăn chiếu... khiến nhiều người dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp, gây bột phát cơn hen suyễn. Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản, rất dễ lên cơn hen do tác động của không khí ẩm.

Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng phát ốm với thời tiết này, nhất là những người có tiền sử viêm xoang, hen xuyễn. Chị Mai Thị Hương Giang (trú tại phố Kim Ngưu, Hai Bà Trưng) hiện đang điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Từ trước Tết Nguyên đán, chị đã bị ho dai dẳng nhưng vẫn cố chịu đựng không đi khám.

“Ngay ngày đầu tiên Hà Nội chuyển nồm, bệnh viêm xoang của tôi chuyển nặng, kèm ho sốt, tôi bắt buộc phải vào viện thì phát hiện mình bị viêm một phần ba phổi. Sau khi được yêu cầu nhập viện và truyền kháng sinh liên tục, tới nay là ngày thứ tư, tôi mới bớt ho và dễ thở hơn” - chị Giang cho biết.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong 10 ngày tới, miền bắc tăng nhiệt, trời tiếp tục mưa phùn, nhiều nơi có sương mù vào sáng sớm, độ ẩm không khí tăng cao. Ngoài các bệnh hô hấp, người dân miền bắc sẽ có nguy cơ đối mặt với các bệnh như sốt phát ban, sởi, thủy đậu, rubella...

Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nồm, ẩm, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các gia đình nên giữ môi trường sống, nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, bằng việc sử dụng máy hút ẩm, hoặc điều hòa không khí, nếu không có những thiết bị trên thì nên đóng kín các cửa sổ để hạn chế hơi ẩm vào nhà; thường xuyên lau nhà cửa bằng những loại vải dễ hút nước; tích cực vệ sinh, thay chăn, ga, gối, đệm để phòng tránh nấm mốc, ẩm ướt trú ngụ và phát triển, vì đây là căn nguyên chính gây nên nhiều bệnh cho cơ thể.

Ngoài ra, cần duy trì nền nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ; thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, bàn chân; tập thể dục phù hợp sức khỏe; tăng cường sức đề kháng bằng việc thay đổi thực đơn trong các bữa ăn hằng ngày một cách khoa học, hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng, nên cung cấp nhiều rau xanh, hoa quả tươi thay vì tăng chất đạm, chất béo.

Với trẻ nhỏ, vào ban đêm trẻ hay ra mồ hôi, cha mẹ cần chuẩn bị sẵn vài chiếc khăn mềm, thấm nước để lau mồ hôi vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân; thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ, tránh tình trạng để bệnh nặng lên phải nhập viện.

Để bệnh không biến chứng nặng, khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp với các dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi, khó thở... các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi khám kịp thời với các bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình điều trị cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức đề kháng, vệ sinh mũi, họng sạch sẽ tránh mầm bệnh lưu trong cơ thể lâu hơn.