Vì thế, dân làng vẫn truyền nhau câu nói: "Thượng Xù, Gạ hạ Thanh Trì" để chỉ địa giới phía bắc và phía nam của làng. Năm 1132 - năm Thuận thiên thứ 5, vua Lý Thần Tông đi kinh lý dọc sông Hồng, thấy dân vất vả cực nhọc, nên đặt tên cho làng là Cơ Xá. Làng bao gồm đất đai hai bên sông và bãi nổi giữa sông, gọi là Bãi Giữa.
Năm 1831, thời vua Minh Mạng, Cơ Xá thuộc huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Ðến năm 1911, làng Cơ Xá xin đổi tên là Phúc Xá, với mong muốn được bình an, no ấm. Năm 1942, Phúc Xá thuộc Ðại lý Hoàn Long, ngoại thành Hà Nội. Theo dòng chảy sông Hồng, bờ bãi bên bồi bên lở, Bãi Giữa cũng bị lở rất nhiều. Năm 1956, phần dân Bãi Giữa (Trung Hà và Bắc Biên) sáp nhập với xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm (nay là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên).
Ðình Phúc Xá được dựng năm 1919, trên nền cổ của làng với mái lá đơn sơ. Năm 1930, dân làng xây đình và nhà bia, đến năm 1935 mới hoàn thành toàn bộ khu đình. Ðình làng thờ ba vị tướng của Vua Hùng là Minh Khiết Ðại Vương, Bảo Trung Ðại Vương, Hiếu Công Ðại Vương có công bảo vệ đất nước.
Ngoài ba vị thánh trên, đình còn thờ Ðào tướng quân. Hiện Ban quản lý di tích còn giữ được bản thần tích về Ðào tướng quân là công thần của Trưng Nữ Vương. Theo thần phả, ông được Trưng Vương phong làm Ðại nguyên soái, thống lĩnh quân từ cửa sông Hát tiến đánh thành của Tô Ðịnh, ba năm sau lại đánh quân Mã Viện. Ngày 15-8, ông bị trọng thương, đến Cổ Lũy thì "hóa". Dân Phúc Xá ghi nhớ công ơn người anh hùng đã dựng đền thờ trên Bãi Giữa; khi bãi lở mới rước vào đình.
Trong hậu cung đình còn thờ Hồng Nương công chúa và Hảo Nga công chúa có công trợ giúp thuyền lương của dân làng Phúc Xá khi theo vua Lý Thánh Tông vào châu Hoan - châu Ái ổn định phương nam.
Ðặc biệt, đình Phúc Xá thờ Thái úy Lý Thường Kiệt (1019 - 1105), anh hùng dân tộc, niềm tự hào của quê hương. Tương truyền, sau khi Lý Thường Kiệt mất, quê hương Cơ Xá dựng đền thờ Ông ở phía bắc Bãi Giữa (đoạn ngang với Phú Thượng bây giờ). Sau này, Ðền bị lở, dân Phúc Xá đưa bài vị Lý Thường Kiệt vào đình để thờ. Hiện nay, báu vật còn giữ lại được là bài minh khắc trên chuông chùa Phúc Xá đúc năm Canh Ngọ, niên hiệu Chính Hòa thứ 11 (1690), triều vua Lê Hi Tông. Chùa ở ngay cạnh đình. Nhờ bài minh đó, chúng ta mới biết rõ Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn vốn ở phường Thái Hòa của kinh thành Thăng Long. Năm 1947, giặc Pháp đốt đình chùa; mãi đến năm 1984 dân làng mới có điều kiện dựng lại đình với 4 gian nhà ngói. Năm 1994, đình được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa; năm 2004, đình bắt đầu được đại trùng tu, năm 2005 hoàn thành. Qua bao cơn binh lửa, dân làng vẫn giữ được hai đôi câu đối cổ. Một đôi nói rõ về làng Phúc Xá (dịch nghĩa):
Thái Hòa vốn có từ cổ xưa
Cơ Xá từ đó phúc ấm dài lâu
Và đôi câu đối ghi công đức của Thái úy Lý Thường Kiệt:
Dịch nghĩa:
Ðánh giặc Tống, dẹp loạn người Chiêm phù trợ nhà Lý
Che chở cho dân, giữ gìn đất nước, đem lại vinh hiển cho quê hương.
Tượng đồng Lý Thường Kiệt được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức thiết kế mỹ thuật và đúc nguyên khối, nặng sáu tấn, đã hoàn thành tháng 3-2006. Nghệ nhân thể hiện rất sinh động thần thái Lý Thường Kiệt ngồi trên ngai thờ; đầu đội mũ cánh chuồn, một tay để trên gối thư thái, một tay cầm chiếc "hốt", biểu tượng của quyền uy.
Hằng năm, vào ngày 6-3 (âm lịch) nhân dân mở lễ hội. Từ sáng sớm, Lễ rước nước từ sông Hồng về đình được tiến hành theo nghi thức cổ trang trọng. Khi đền thờ Lý Thường Kiệt và đền thờ Ðào Tướng công chưa bị lở, dân làng làm lễ rước kiệu các thánh về đền. Hai kiệu thánh của Hồng Nương và Hảo Nga công chúa được rước ra Bãi Giữa. Sau này, khi đền thờ không còn, không còn lễ rước kiệu, nhưng lễ rước nước vẫn được duy trì cầu mong cho dân làng mọi điều tốt lành.
Ðối với Lý Thường Kiệt, nhân dân Phúc Xá giữ lệ hằng năm làm lễ tưởng niệm theo nghi thức quốc gia vào ngày 17-2 và lễ giỗ vào ngày 2-6 (âm lịch).