Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu và rộng khắp

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo định hướng chiến lược, cơ sở pháp lý, động lực để ngành y tế phát triển mạng lưới cơ sở y tế... Riêng mạng lưới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ được phát triển theo các cấp vùng, liên vùng, trong đó có những bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại đạt trình độ ngang tầm quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện ca phẫu thuật bằng Robot cho bệnh ung thư đường tiêu hoá.
Các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện ca phẫu thuật bằng Robot cho bệnh ung thư đường tiêu hoá.

Theo PGS,TS Phan Lê Thu Hằng-Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), nội dung chủ yếu của quy hoạch là xác định phương hướng phát triển, phân bố, tổ chức không gian, nguồn lực cho các cơ sở y tế mang tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh. Đối tượng quy hoạch bao gồm năm cơ sở y tế cấp vùng, liên tỉnh và liên ngành thuộc các lĩnh vực: Khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần; y tế dự phòng, y tế công cộng; kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, vaccine và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế, sản xuất dược phẩm, vaccine, sinh phẩm y tế và thiết bị y tế; dân số - sức khỏe sinh sản. Quy hoạch giúp các địa phương có cơ sở tham chiếu cũng như có những hướng dẫn mang tính nguyên tắc để phát triển mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn.

Đáng chú ý, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định các chỉ tiêu phấn đấu rất cao về quy mô giường bệnh và nhân lực y tế chủ chốt. Theo đó, đến năm 2050 các chỉ số này của Việt Nam sẽ đạt mức bình quân của nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu (các nước thuộc Tổ chức OECD).

Thời gian, một số bệnh viện tuyến Trung ương tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được xây mới; hình thành hai khu phức hợp y tế chuyên sâu khi có đủ điều kiện tại hai miền Nam - Bắc.

Một điểm nhấn đó là cả nước sẽ có sáu bệnh viện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế được nâng cấp thành bệnh viện ngang tầm quốc tế. Đồng thời nâng cấp một số bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt (đa khoa, chuyên khoa) ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế để đảm nhận vai trò của bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Hiện nay, các thầy thuốc Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như: ghép bộ phận cơ thể người, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, điều trị ung thư, phẫu thuật tim, thay khớp gối… Do vậy, với việc đầu tư nâng tầm các bệnh viện không chỉ giúp giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, mà còn thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam. Thực tế thời gian qua đã có nhiều Việt kiều, người nước ngoài ở Việt Nam và cả người từ nước ngoài lựa chọn các bệnh viện tại Việt Nam để khám, điều trị.

Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu và rộng khắp ảnh 1
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu thành công cho bệnh nhân mắc bệnh parkinson nhiều năm.

Quy hoạch đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 bệnh viện đa khoa; bổ sung bảy bệnh viện đa khoa mới ở vùng trung du và miền núi phía bắc (có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương) và vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (có mật độ dân số cao); 20 bệnh viện chuyên khoa.

Một số nghiên cứu cho thấy, nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm 92.500 giường bệnh, trong đó số giường bệnh của bệnh viện cấp quốc gia cần bổ sung thêm khoảng 8.700 giường bệnh. Nhằm bổ sung lượng giường bệnh đó, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng. Theo đó, nâng cấp, đầu tư 20 bệnh viện chuyên khoa, một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng ở những địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến trung ương và vùng có mật độ dân số cao.

Theo Quy hoạch này, định hướng phân bổ không gian các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang); vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng); vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa); vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk); vùng Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh); vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang).

Đồng thời nâng cấp một số bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh thành bệnh viện đảm nhận chức năng vùng về ung bướu, tim mạch, sản/sản - nhi, lão khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, truyền nhiễm để cung ứng các dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa sâu và hình thành một số trung tâm huyết học - truyền máu, trung tâm ghép tạng tại một số địa phương. Đối với những vùng chưa có hoặc khó khả thi trong việc phát triển bệnh viện chuyên khoa, ưu tiên phát triển các trung tâm chuyên khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh.

Quy hoạch cũng nêu rõ nâng cấp các bệnh viện trường đại học thành bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế, nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật, đào tạo thực hành cho hệ thống các trường đại học khối ngành sức khỏe; khuyến khích phát triển các bệnh viện tư nhân đạt chứng nhận chất lượng cấp quốc tế thành bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Về y tế biển, đảo, nâng cấp các cơ sở y tế phù hợp với định hướng của Chương trình phát triển y tế biển, đảo, trong đó có một số bệnh viện của Bộ Quốc phòng. Đối với các bệnh viện các ngành theo hướng tích hợp các bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành.