Định hướng nghề nghiệp của học sinh phân hóa mạnh

NDO - Năm học 2023-2024, các trường trung học phổ thông công lập của tỉnh Thái Nguyên sẽ tuyển sinh 13.600 học sinh vào học lớp 10, chiếm 71% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Số học sinh còn lại được phân luồng, học trong các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, học nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường Trung học cơ sở xã Thành Công, thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên).
Học sinh Trường Trung học cơ sở xã Thành Công, thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên).

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 19 nghìn học sinh đủ điều kiện xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 được tổ chức từ ngày 6 đến 8/6, các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh sẽ tuyển 13.600 học sinh vào học lớp 10, chiếm 71% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

Khoảng 6 nghìn học sinh còn lại, chiếm 29% em tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ học trong các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, học nghề.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản chuẩn bị xong các điều kiện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại 31 điểm thi trên địa bàn toàn tỉnh.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thi được phân công nhiệm vụ cụ thể, tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, an toàn.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Nguyễn Văn Hưng cho biết: Năm học tới, toàn tỉnh có gần 6 nghìn học sinh, chiếm khoảng 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp để vừa học chương trình trung học phổ thông, vừa học nghề hoặc học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 trung tâm giáo dục thường xuyên-nghề nghiệp và các trường trung cấp, cao đẳng nghề, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Việc có khoảng 30% tổng số học sinh đi theo hướng giáo dục nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở là xu hướng tốt, phù hợp thực tiễn là gắn đào tạo với giải quyết việc làm, đỡ lãng phí thời gian, tiền của của xã hội. Vì trên thực tế, trên địa bàn có không ít người tốt nghiệp đại học mà không tìm được việc làm phù hợp với bằng cấp được đào tạo, cuối cùng cất bằng đại học để đi làm công nhân.