Định hướng lớn và thực tiễn nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thể hiện qua năng lực tiến hành công tác tư tưởng, vận động, thuyết phục các tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ, tự giác thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và năng lực xây dựng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở. Dựa vào nhân dân, vì nhân dân phục vụ, các tổ chức cơ sở đảng đã thực hành hiệu quả chủ trương xuyên suốt của Đảng ta là phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Giữ gìn và phát triển nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với cù lao An Bình (Vĩnh Long).
Giữ gìn và phát triển nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với cù lao An Bình (Vĩnh Long).

Bài 5: Dựa vào nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện

"Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng". Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là định hướng lớn của Đảng đang là thực tiễn sinh động mà các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng thực hành trong công việc hằng ngày.

Sâu sát thực tiễn, phát huy lợi thế

Kết quả khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, đơn vị chỉ ra rằng, khi chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng khởi nguồn từ đời sống nhân dân, sẽ luôn "đi vào cuộc sống" nhanh và hiệu quả nhất. Những chủ trương, chính sách hợp lòng dân trở thành công cụ xây dựng, củng cố vững chắc mối quan hệ Đảng với dân.

Các nghị quyết chuyên đề có tính khả thi cao, bắt kịp đòi hỏi của tiến trình phát triển, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Xuất phát từ thực tế và kiểm chứng bằng thực tế là động lực lan tỏa, tạo chuyển động từ cơ sở, thể hiện sinh động năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Chương trình hành động của Tỉnh ủy Vĩnh Long thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có sự kế thừa thành quả đã đạt được và đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Chương trình có 9 nhóm giải pháp với các nhiệm vụ trọng tâm được xác định dựa trên điều kiện thực tế tại địa phương.

Khi chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng khởi nguồn từ đời sống nhân dân, sẽ luôn "đi vào cuộc sống" nhanh và hiệu quả nhất.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Lê Văn Dũng, qua thực tế, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của cấp ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng rõ nét.

Người dân ngày càng chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, với nhiều mô hình tiêu biểu như, các tuyến đường hoa ở xã An Phước, xã Chánh An, huyện Mang Thít; hình thành vùng chuyên canh rau nhút xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn; mô hình nuôi lươn không bùn ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ; các mô hình tự phòng, tự quản…

Nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất như anh Nguyễn Ngọc Thĩnh ở ấp An Thới, xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân hiến 600 m2 đất, đốn bỏ 30 gốc mận, góp thêm gần 340 triệu đồng để gia đình hàng xóm trước nhà đồng ý giao đất cho Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ đi qua ấp An Thới.

Đến cuối năm 2023, Vĩnh Long phấn đấu thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã đạt chuẩn nâng cao; 2 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; huyện Tam Bình hoàn chỉnh hồ sơ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Có sự đồng hành của người dân, các mục tiêu trong năm dự kiến đều về đích như kế hoạch đề ra.

Tại xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp), lợi thế tiềm năng về giá trị văn hóa, vườn cây trái xum xuê, người dân làm nghề truyền thống và vị trí địa lý vùng ven sông Tiền… là động lực để cấp ủy, chính quyền lựa chọn hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Bám sát thực tiễn, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, tăng cường sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của nhân dân, luôn là nền tảng, bảo đảm thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phan Thị Thu Hai, các nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền hướng tới khai thác và phát triển đa dạng các loại hình du lịch phù hợp với lợi thế của địa phương. Để hiện thực hóa các mục tiêu, yêu cầu đặt ra là phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm, tính liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và hộ dân tham gia du lịch cộng đồng. Từ hoạt động du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư.

Khơi dậy tiềm năng từ đất và người, xã Tân Thuận Tây từng bước phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, gắn với sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn; bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa bản địa. Hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao đã hình thành loại hình du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, lễ hội, ẩm thực, đi thuyền trên sông Tiền.

Du khách đến vùng quê này được trải nghiệm cùng người dân địa phương: chèo xuồng, chài lưới, nấu ăn, đạp xe dạo quanh đường làng, thưởng thức các món ăn dân dã địa phương và nghe đờn ca tài tử… Người dân chuyên canh nông nghiệp truyền thống và phấn khởi tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp làm dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị mà Thành ủy, UBND thành phố Cao Lãnh đề ra.

Bám sát thực tiễn, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, tăng cường sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của nhân dân, luôn là nền tảng, bảo đảm thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển".

Tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân

Liên hệ với thực tế, với nhân dân, lắng nghe ý kiến và ủng hộ sáng kiến của nhân dân, chống quan liêu, là một vấn đề thuộc về nguyên tắc cơ bản của đảng cầm quyền. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng bao gồm cả năng lực thực hành công tác dân vận của cán bộ, đảng viên. Kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.

Thực tiễn khẳng định, khi cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên thực sự nêu gương, làm tốt công tác tuyên truyền, lý giải thấu đáo, kiên trì thuyết phục để nhân dân hiểu đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường đối thoại, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, sẽ phát huy mạnh mẽ sức mạnh to lớn, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo", hàng trăm mô hình được các tổ chức đảng, đảng viên của 64 tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội đăng ký và thực hiện, góp phần nhân lên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.

Nội dung "dân vận khéo" là các nhiệm vụ cấp ủy, chính quyền đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vấn đề mới, khó khăn, phức tạp ở cơ sở; gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Thực tế ghi nhận nhiều mô hình đạt hiệu quả cao.

Chi bộ Trường Lê Duẩn có mô hình "3 không-4 chống-5 cần", đã khích lệ cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động đồng hành với nhà trường giải quyết kịp thời, triệt để các vấn đề tư tưởng nảy sinh; chấn chỉnh nền nếp tác phong công tác, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu.

Chi bộ tổ chức ký cam kết, đăng ký phấn đấu rèn luyện hằng năm với phương châm "kỷ cương-trách nhiệm-tận tình-thân thiện", nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ, triển khai cụ thể, rõ ràng đến từng phòng, khoa.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Phạm Thị Nguyên Hạnh, "Dân vận khéo" gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, nhằm thực hiện hiệu quả Năm kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển, các Quy tắc ứng xử, công tác cải cách hành chính… nhân lên ý thức và hiệu quả hoạt động công vụ trong các cơ quan cấp thành phố.

Hằng năm, 100% tổ chức đảng trực thuộc phối hợp tổ chức công đoàn phát động phong trào thi đua, ký giao ước thi đua; xây dựng, triển khai kế hoạch thi đua thực hiện mô hình "Dân vận khéo". Hiệu quả được khẳng định bằng kết quả công tác tham mưu phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của thành phố; nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp...

Mới đây, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" tỉnh Ninh Bình tổ chức sơ kết phong trào thi đua, biểu dương mô hình, điển hình "Dân vận khéo" giai đoạn 2021-2023. Qua phong trào thi đua, nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu đã mang lại hiệu ứng thực tế, lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng, như "Ứng dụng công nghệ mạ khay, cấy máy trong canh tác lúa" (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); "Tuyên truyền, hướng dẫn thực hành phân loại rác thải tại nguồn" (Hội Liên hiệp Phụ nữ); "Điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi" (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh); mô hình "Xóm tự quản tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia khu vực biên giới biển" (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng)...

Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đó là yếu tố cơ sở góp vào thành tích chung của tỉnh, với 119/119 xã, 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Một trong những hoạt động thường niên, có ý nghĩa lớn góp phần gây dựng và củng cố mối quan hệ Đảng-dân, đó là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua các năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo cơ sở vững chắc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước, đoàn kết, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.

Nhiều phong trào xây dựng nông thôn mới; đô thị văn minh; xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở; thực hiện nếp sống văn minh; an sinh xã hội... đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Từ đó, góp phần tăng cường tình đoàn kết thống nhất, sự đồng thuận trong xây dựng và phát triển.

Đồng chí Đàm Thế Sử, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức hằng năm tại 79/79 khu dân cư, với nhiều hoạt động ý nghĩa, như văn nghệ, thể thao; hỗ trợ các gia đình khó khăn, tri ân gia đình có công với cách mạng; xây dựng nhà đại đoàn kết; tôn vinh tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu.

Hằng năm, có hơn 80% khu dân cư tổ chức "Bữa cơm đại đoàn kết" gắn kết tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt, góp phần thúc đẩy hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là cầu nối phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Ủy ban MTTQ thành phố đã phối hợp thành lập 79 tổ hòa giải ở tất cả 79 khu phố, kịp thời tháo gỡ các vụ việc phát sinh. Nhiều phong trào có tính nhân văn sâu sắc, như: "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", "Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan", phong trào khuyến học khuyến tài được triển khai ở các khu phố, các dòng họ và trường học.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là cầu nối phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng… Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm… Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt".

Mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân là cơ sở xã hội vững chắc cho sự cầm quyền của Đảng. Dựa vào nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta ngay từ khi ra đời và càng được nhấn mạnh và cụ thể hóa trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng đặt ra yêu cầu đổi mới và đẩy mạnh công tác vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm công dân; phát huy quyền làm chủ và quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân; đồng thời chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức, mị dân. Những yêu cầu này chỉ được thực hiện hiệu quả khi Đảng xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự "trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân".

Bài 1: Coi trọng thực tiễn, khắc phục bệnh quan liêu, hình thức

Bài 2: Sáng tạo, linh hoạt đưa nghị quyết vào cuộc sống

Bài 3: Kiên trì, chủ động đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành

Bài 4: Tăng cường vai trò mỗi chi bộ và đảng viên