Năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng đặc biệt chú trọng việc kịp thời điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết phù hợp với những biến động của thực tiễn, khắc phục tình trạng chậm triển khai hoặc triển khai hình thức, vận dụng không đúng quan điểm của nghị quyết. Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng là việc cần làm và làm thường xuyên, gắn liền với đó là quá trình đổi mới sáng tạo, bảo đảm hành động ngang tầm quyết tâm chính trị của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta trên các lĩnh vực, mục tiêu công tác.
Đường lối, nghị quyết thành thực tiễn sinh động
Nửa nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa "xây" và "chống", xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực và dấu ấn nổi bật. Trong lĩnh vực công tác cán bộ, cùng với nỗ lực, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", việc cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Ðảng về công tác cán bộ kịp thời giải quyết những vướng mắc mà thực tiễn đặt ra trong nhiều năm. "Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung" là một nội dung mới trong Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng.
Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ðây là bước đi cụ thể hóa Văn kiện Ðại hội XIII, tạo động lực để cán bộ có thêm bản lĩnh dấn thân, mạnh dạn trong tư duy sáng tạo và đổi mới trong triển khai các phương pháp tổ chức quản lý, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn có tính cấp bách. Kết luận này yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, tạo sự thống nhất về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đồng hành với sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ các cấp. Ðảng, Nhà nước và hệ thống chính trị tạo mọi điều kiện giúp cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách.
Ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NÐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng chủ trương của Ðảng được thể chế hóa từ chủ trương trở thành quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, sẽ tạo ra sự thay đổi về chất đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là lãnh đạo, quản lý nói riêng và nguồn nhân lực của đất nước nói chung.
Ðể đường lối, chủ trương của Ðảng được thực hiện nghiêm, xuyên suốt, thống nhất, có hiệu quả từ Trung ương đến các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; góp phần giữ vững, nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Ðảng gắn với thực tiễn từng địa phương, đơn vị; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Trung ương đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược.
Năm 2023, Trung ương Ðảng tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho tất cả các đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Ðảng. Nội dung chương trình bồi dưỡng bao quát khá toàn diện các vấn đề quan trọng liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, có tư duy dài hạn, chiến lược gắn với các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045. Tại lễ khai giảng các lớp bồi dưỡng, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Quá trình phát triển, hội nhập sâu rộng đang đòi hỏi phải nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng, để Ðảng thực sự là hình ảnh tiêu biểu cho đạo đức, trí tuệ, văn minh. Mỗi Ủy viên Trung ương Ðảng phải nhận thức sâu sắc, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nâng cao bản lĩnh, năng lực, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao mà còn đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi dấu ấn về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và đồng bộ theo hướng hệ thống, hiện đại, chú trọng cập nhật các nội dung trong Văn kiện Ðại hội XIII và các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII vào chương trình giảng dạy. Năm 2022, Học viện triển khai hơn 500 nhiệm vụ, đề tài khoa học. Học viện vừa tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho 45 tiến sĩ, 619 thạc sĩ và 43 cử nhân chính trị, bổ sung đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Ðảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược, chính sách, pháp luật.
Cùng với Hội thi giáo viên giỏi các trường chính trị cấp tỉnh và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mới đây, Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc với sự tham gia của 63 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 11 trường bồi dưỡng cán bộ của bộ, ngành trong cả nước là các hoạt động thiết thực góp phần kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị. Theo PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hội thi là dịp để Học viện, các tỉnh ủy, thành ủy đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên, qua đó có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QÐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư.
Thể hiện ý chí, quyết tâm bằng hành động
Năm 2023 là năm thứ ba có cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Ðây là hoạt động thiết thực tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo định hướng Nghị quyết Ðại hội XIII.
Năm nay, cuộc thi tại Hà Tĩnh thu hút hơn 80 nghìn bài dự thi. Quân đội có 59 đơn vị triển khai cuộc thi từ cấp cơ sở đến cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng với 111.897 tác phẩm, tăng gấp đôi so với năm 2022. Ở quy mô toàn quốc, cuộc thi nhận được hơn 30 nghìn bài thi. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân thể hiện nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, với ý chí, quyết tâm và hành động thiết thực.
Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đề ra nhiệm vụ: "khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế-chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới". Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông Cửu Long; Tây Nguyên; Ðông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đồng bằng sông Hồng. Các nghị quyết thể hiện khát vọng, ý chí và quyết tâm đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững mỗi vùng nói riêng và cả nước nói chung. Ngay sau khi các nghị quyết được ban hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức các Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện đến các ban, bộ, ngành, địa phương. Phát biểu chỉ đạo tại các hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Kiên quyết khắc phục tình trạng "Nghị quyết thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề", hoặc "Ðánh trống bỏ dùi", "Ðầu voi, đuôi chuột"!
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành và các địa phương tích cực đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng quy hoạch phát triển Vùng và từng địa phương trong vùng, bám sát quan điểm chỉ đạo, sẵn sàng hành trình tranh thủ thời cơ vượt qua thách thức, tạo chuyển biến có tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của các Vùng.
Tỉnh miền núi, biên giới Lào Cai đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với "1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 5 nhiệm vụ trọng tâm". Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Ðặng Xuân Phong chia sẻ, đây là tiền đề quan trọng để Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giữa ASEAN với Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc. Từ coi trọng liên kết vùng, du lịch Lào Cai được chọn là khâu đột phá có hiệu quả. Năm 2023, lượng khách đến với tỉnh đạt gần 4 triệu lượt, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm nay, với mức thu hơn 10 nghìn tỷ đồng, Lào Cai ở trong tốp các địa phương dẫn đầu của cả nước về doanh thu du lịch.
Khảo sát thực tế tại các địa phương, cấp ủy các cấp đã kịp thời có chương trình hành động, kế hoạch, đề án, thể hiện trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, hướng tới đạt mục tiêu giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước. Liên kết vùng đang trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng.
Tại Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Trần Ðức Thắng cho biết, tỉnh đang tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Quá trình này, tỉnh dồn sức cải thiện môi trường đầu tư; cải cách hành chính; tạo động lực triển khai các nội dung hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tỉnh Nghệ An hướng tới mục tiêu là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Ðệ, từ đầu nhiệm kỳ, các chương trình, đề án sau khi ban hành đã tổ chức quán triệt và triển khai nhanh vào thực tiễn; một số nội dung đã được HÐND, UBND tỉnh kịp thời thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách và có kế hoạch bố trí nguồn lực để thực hiện. Hiện tại, quy mô nền kinh tế của Nghệ An đứng thứ 12 cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là hơn 1,2 tỷ USD.
Ðịnh hướng quy hoạch vùng Ðông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Vùng động lực Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Ðồng Nai-Bà Rịa-Vũng Tàu (Vùng động lực quốc gia) bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo Quốc lộ 22, 13, 1, 51 qua các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng. Ðây là tư duy mới để tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, giải quyết các thách thức và phân bổ không gian phát triển cho Vùng. Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải cho biết, thành phố chủ động thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong xây dựng các mối quan hệ, chia sẻ thông tin, liên kết phát triển với các địa phương. Thành phố cũng đang nghiên cứu, triển khai các chương trình tập trung phát triển mạnh khoa học-công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phấn đấu đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số, đồng thời ưu tiên phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học-công nghệ, logistics, phát triển các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo...
Năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp là biểu hiện sinh động định hướng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tạo bước phát triển mới của Ðảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng được nhân dân tin tưởng, đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Nghị quyết ban hành là rất quan trọng, nhưng hơn hết phải thấm nhuần và thực hiện tốt, biến tư tưởng chỉ đạo, chính sách, chủ trương thành hiện thực sinh động, ra của cải vật chất. Lúc đó mới là thực hiện thành công Nghị quyết.
(Còn nữa)
---------------------------------------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4/10/2023.