Định hướng lớn và thực tiễn nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra một trong những mục tiêu tổng quát trong phát triển là “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng”. Từ định hướng lớn của Đảng đến những mối quan tâm cụ thể, năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được thể hiện sinh động và chứng minh trong thực tế đời sống xã hội. Những cách làm sáng tạo, hiệu quả từ Trung ương đến các tổ chức cơ sở đảng góp phần nâng cao uy tín, tính thuyết phục của Đảng đối với nhân dân, khẳng định vai trò, trách nhiệm của Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện ủy Bạch Thông luôn nỗ lực tìm giải pháp phát triển kinh tế. (Trong ảnh: Mô hình trồng lúa hữu cơ cho năng suất cao được huyện triển khai hiệu quả). (Ảnh THU TRANG)
Huyện ủy Bạch Thông luôn nỗ lực tìm giải pháp phát triển kinh tế. (Trong ảnh: Mô hình trồng lúa hữu cơ cho năng suất cao được huyện triển khai hiệu quả). (Ảnh THU TRANG)

Bài 1: Coi trọng thực tiễn, khắc phục bệnh quan liêu, hình thức

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội trước hết bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách xây dựng và phát triển đất nước. Cấp ủy các cấp từ việc sâu sát, kịp thời tổng kết thực tiễn, dự báo từ sớm, từ xa các biến động và yêu cầu phát triển, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền ngay từ khi hoạch định đường lối, chủ trương phát triển trong từng lĩnh vực và của mỗi địa phương, đơn vị.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng là yêu cầu tất yếu khách quan trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Qua khảo sát thực tế, yêu cầu này được cấp ủy các cấp triển khai ở mọi lĩnh vực hoạt động, tất cả các khâu, các bước, các mối quan hệ trong quá trình lãnh đạo toàn diện, với nhiều phương thức phong phú, sinh động. Trong đó, xây dựng cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, nghị quyết một cách đúng đắn và khoa học là cơ sở đầu tiên để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.

Chủ động đưa cuộc sống vào nghị quyết

Trong chương trình công tác nhiệm kỳ Đại hội XIII, tại kỳ họp thứ năm, Trung ương đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận và thống nhất cao ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai là đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Trung ương chỉ ra những tồn tại, hạn chế; trong một số trường hợp, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

Quá trình dự thảo Nghị quyết 18-NQ/TW, Trung ương ghi nhận ý kiến đóng góp của 12 trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước, 3 tổ chức quốc tế. Các đơn vị tham mưu đã có nhiều cuộc làm việc với Đảng đoàn, ban cán sự Đảng; tổ chức 9 tọa đàm, 12 hội thảo, 3 hội nghị ở 3 miền và ý kiến của cấp ủy, chính quyền các cấp. Hàng nghìn lượt ý kiến chỉ rõ thực trạng đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước; chưa xử lý tốt các mối quan hệ lớn trong quản lý, sử dụng đất và những tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.

Tiếp nhận các ý kiến phản ánh thực tế sinh động, Nghị quyết 18-NQ/TW khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng ta về đất đai; đồng thời có nhiều điểm mới, có tính khái quát cao, là định hướng lớn cho công tác hoàn thiện thể chế về đất đai.

Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, những điểm mới được thể hiện xuyên suốt nội dung của Nghị quyết, từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện. Nghị quyết định hướng nâng cao vai trò của thị trường trong quản lý và sử dụng đất; nâng cao vai trò đại diện chủ sở hữu và năng lực quản lý của Nhà nước về đất đai; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm hài hòa trong lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước, trong đó người dân là trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với ý nghĩa là công cụ thể hiện năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành các chủ trương, nghị quyết và kiên trì thực hiện. Qua khảo sát thực tế, nhiều địa phương, đơn vị đã khắc phục hiện tượng ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo chỉ dựa trên những nhận định, phán đoán mang tính chủ quan, áp đặt từ “phòng họp” của một số cấp ủy, tổ chức đảng.

Trong 3 nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy Cao Bằng chọn những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để ban hành các chương trình, đề án cụ thể. Các chương trình được ban hành theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, rõ trách nhiệm. Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu việc ban hành và cụ thể hoá nghị quyết của từng cấp ủy theo hướng sát thực tiễn, xác định rõ nguồn lực thực hiện; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là năng lực phân tích, ứng phó với các biến động của tình hình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan chủ trì và người đứng đầu trong triển khai thực hiện nghị quyết, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên nếu có chỉ tiêu nghị quyết không đạt…

Thể hiện sinh động “ý Đảng, lòng dân”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán phương pháp xây dựng nghị quyết xa rời thực tế: “Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”.

Trong nội dung kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với các đảng bộ trực thuộc về triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, yêu cầu đầu tiên là việc cụ thể hóa nghị quyết, ban hành chương trình hành động, kế hoạch phù hợp thực tế địa phương, đơn vị. Có thực tế là một số cấp ủy chưa coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng từ khâu ban hành nghị quyết.

Trách nhiệm tập thể và người đứng đầu trong quy trình ban hành chủ trương, nghị quyết, khá mờ nhạt. Có tình trạng nghị quyết của cấp ủy cấp dưới “mô phỏng” nghị quyết của cấp ủy cấp trên, thêm phần thực tiễn địa phương, thành dàn trải, rườm rà, khiến việc học tập, quán triệt càng nhạt và khó. Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng của các nghị quyết, chỉ thị, kết luận; quy trình ban hành bảo đảm tính thực tiễn, cơ sở khoa học và dân chủ; là sản phẩm trí tuệ của Đảng, đồng thời thể hiện sinh động “ý Đảng, lòng dân”.

Những nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy Bắc Kạn chú trọng phát huy tính chủ động, sáng tạo trong đổi mới việc ban hành các văn bản chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, giải pháp cụ thể, nhất là phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân, thời gian hoàn thành, coi trọng trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, tổng kết ngay từ khi ban hành nghị quyết.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh chia sẻ, Tỉnh ủy yêu cầu đội ngũ cấp ủy viên tích cực nghiên cứu, học tập, nắm vững nghiệp vụ; có khả năng phân tích thực tiễn, dự báo tình hình để nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nghị quyết. Chương trình, kế hoạch của các cấp ủy đảng đều hướng đến mục tiêu “có nội dung trọng tâm, có giải pháp thiết thực”.

Kế hoạch làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giai đoạn 2022-2025 đề ra 3 nội dung cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo là cải cách hành chính; công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân; kiểm tra, giám sát, giải quyết dứt điểm một số vụ việc nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Mỗi nội dung đều có giải pháp chi tiết và phân công công việc cho các đơn vị. Những quyết sách là cơ sở của kết quả ấn tượng.

Sáu tháng đầu năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,7%, đứng thứ 6/14 các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với khu vực dịch vụ chiếm 51,9%; sản xuất công nghiệp tăng 10,8%; lượng khách du lịch tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ…

Tại huyện Bạch Thông, thực hiện phương châm cấp ủy đảng lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội không phải bằng khẩu hiệu suông, quan điểm hay định hướng chung chung mà từ thực tiễn để ban hành nghị quyết, kế hoạch. Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các ủy viên đều phải nắm vững các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đi cơ sở thường xuyên; mỗi tháng họp với lãnh đạo xã được phân công phụ trách ít nhất một lần, nghe kỹ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách, giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư công.

Thực hiện đề án xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2025, người đứng đầu cấp ủy từ huyện đến xã là Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, có 22/37 chỉ tiêu đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Trong câu chuyện, Bí thư Huyện ủy Đỗ Thị Hiền say sưa nói về đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng, vật nuôi của từng xã, thị trường, mùa vụ từng sản phẩm nông nghiệp của địa phương…, là kiến thức từ ruộng đồng, lý giải của các nhà khoa học, kinh nghiệm của người dân, nhiều cảm xúc và những suy luận thuyết phục.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index) năm 2019, tỉnh Bình Phước ở vị trí 56/63 tỉnh, thành phố, đã vươn lên vị trí thứ 9/63 năm 2022. Đây là kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025. Theo đồng chí Vũ Tiến Điền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, quá trình xây dựng Nghị quyết số 04, Tỉnh ủy đánh giá kỹ thực tiễn; thảo luận, nhận ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, các nhà khoa học và người dân.

Tránh việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, Nghị quyết số 04 nêu mục tiêu và quan điểm thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực, hướng tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện; tập trung chuyển đổi số trước các lĩnh vực doanh nghiệp, người dân cần (quản lý dân cư, tài nguyên, giáo dục, y tế…); chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm và rút kinh nghiệm.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều cán bộ, đảng viên ở Bình Phước nhận xét Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 15/9/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về chiến lược phát triển, có cách tiếp cận và đặt vấn đề khoa học, thuyết phục.

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá, định hướng của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 13 đã phác họa chặng đường dài, từ các mục tiêu đến các kịch bản và giai đoạn phát triển, định hướng quy hoạch không gian…; là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng các chương trình hành động cụ thể về chiến lược và đổi mới, ngân sách và phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và các khu vực kinh tế.

Nghị quyết khởi nguồn từ các báo cáo khoa học, nên các mục tiêu và công việc được đề xuất bài bản, mạch lạc, không có tư duy nhiệm kỳ. Sự phát triển của tỉnh được đặt trong bối cảnh phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thúc đẩy sự chủ động chuyển từ trạng thái “dự trữ” tiềm năng thành “động lực” tăng trưởng và phát triển cho cả vùng.

Sáu tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Phước ước đạt 7,27%, là mức tăng cao nhất so với vùng Đông Nam Bộ. Lần đầu tiên, Bình Phước vào “top 10” địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Tỉnh đã thu hút 16 dự án FDI, với số vốn 632 triệu USD, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 200% kế hoạch năm 2023.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy tập trung ban hành 58 chủ trương, chính sách trên tất cả các lĩnh vực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, để lãnh đạo, chỉ đạo với tầm nhìn dài hạn, bao quát. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền chia sẻ: Trong 58 chủ trương, chính sách, có 46 kết luận, hình thức ngắn gọn (không quá 4 trang A4), không diễn giải dài dòng, nêu trực tiếp, cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp. Tỉnh ủy quyết tâm tạo đột phá ngay từ khâu định hướng chủ trương, chính sách để cán bộ, đảng viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu và dễ vận dụng.

Khảo sát thực tế tại các địa phương, nhiều cán bộ cấp ủy nêu băn khoăn, việc dự báo tình hình, đánh giá tác động của chủ trương, chính sách trước khi ban hành còn hạn chế, cấp ủy các cấp chưa có cơ quan chuyên môn nào chuyên trách công việc này. Trong khi Đảng ta yêu cầu nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách, cần có cơ chế kiểm soát việc các tổ chức của hệ thống chính trị thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương của các cấp ủy đảng.

Mỗi nghị quyết cần có cơ quan theo dõi, giám sát việc thực hiện, quy định trách nhiệm xử lý những phát sinh trong quá trình thực hiện, xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi chậm triển khai hoặc thực hiện không đạt yêu cầu.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trước hết là nâng cao chất lượng công tác hoạch định đường lối, chủ trương, có đủ cơ sở chính trị và khoa học, phản ánh đúng quy luật vận động của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Nhiệm vụ này đặt ra yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy viên trau dồi năng lực trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tầm nhìn chiến lược, rèn luyện phong cách, sâu sát thực tiễn, thực hành lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện. Phải tránh cách lãnh đạo đại khái, phiến diện, chung chung”.

(Còn nữa)