Định hình giá trị chuẩn mực của người Hà Nội trong thời kỳ mới

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ mà thành phố đã thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn khi những biến động của xã hội không ngừng diễn ra, giao lưu văn hóa ngày một mạnh mẽ, kéo theo những yếu tố tích cực và cả tiêu cực. Điều này đòi hỏi việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần có những định hướng, giải pháp mới để thích ứng với thực tế.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ Thủ đô duyên dáng trong tà áo dài xuống phố.
Phụ nữ Thủ đô duyên dáng trong tà áo dài xuống phố.

Hà Nội được biết đến là Thủ đô ngàn năm văn hiến và cũng là điển hình cho nét đẹp văn hóa ứng xử của người Việt, với phẩm chất nổi bật là văn minh, thanh lịch. Liên tục trong những năm qua, thành phố có nhiều hoạt động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trong đó, Chương trình 06-CTr/TU (các nhiệm kỳ trước là Chương trình 04) của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các địa phương. Năm 2017, thành phố đã ban hành hai Quy tắc ứng xử “phủ sóng” đến hầu hết các đối tượng, môi trường xã hội. Nhiều ngành, đoàn thể, địa phương có những giải pháp sáng tạo trong triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Quy tắc ứng xử, qua đó, từng bước cải thiện văn hóa ứng xử của cộng đồng.

Điển hình như quận Đống Đa gắn thực hiện Quy tắc ứng xử với xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm trật tự đô thị; tổ chức thi Tuyên truyền Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Quận còn chú trọng giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống thanh lịch, văn minh; đổi mới công tác giáo dục lịch sử gắn với giáo dục nếp sống văn hóa trong các nhà trường… Quận Hoàn Kiếm gắn xây dựng văn hóa người Hà Nội với triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành), thực hiện đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ”…

Các huyện cũng vào cuộc tích cực với nhiều giải pháp, hình thức phong phú. Huyện ủy Thường Tín ban hành Chương trình 04-CTr/HU ngày 22/8/2020 về Phát triển văn hóa, xã hội trên nền tảng văn hiến truyền thống; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện giai đoạn 2020-2025. Chương trình được triển khai đồng bộ đến tất cả các cơ quan, ban, ngành, các khu dân cư trong huyện.

Tuy nhiên trước những biến đổi của xã hội, giao lưu văn hóa ngày một mạnh mẽ kéo theo cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực, việc nghiên cứu xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội ngày một mang tính cấp thiết, nhất là quá trình đô thị hóa đang diễn ra theo chiều hướng “văn hóa không theo kịp”.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng băn khoăn: “Việc triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã đủ để thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại hay chưa? Những giá trị nào trong hệ giá trị gia đình truyền thống cần được gìn giữ, phát huy? Những giá trị nào cần bổ sung? Và giải pháp nào cho nhiệm vụ này? Có nhiều vấn đề đang đặt ra cho xây dựng văn hóa Hà Nội và cần triển khai một kế hoạch có tầm chiến lược, đồng bộ và có tính khả thi”. Vậy hệ giá trị chuẩn mực mới của người Hà Nội sẽ là gì? Đây là điều cần thiết nhưng không dễ tìm câu trả lời trong ngày một, ngày hai.

Phó Giáo sư Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người cho biết: “Xã hội có rất nhiều thay đổi ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống. Điều cần quan tâm phân tích, bàn thảo chính là làm cho rõ được hệ giá trị và chuẩn mực văn hóa tiêu biểu của người Hà Nội trong hàng trăm, hàng nghìn những giá trị văn hóa tốt đẹp hiện hữu từ xưa tới nay, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố, lan tỏa”.

Từ kinh nghiệm thực tế triển khai xây dựng văn hóa người Hà Nội, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh: “Hệ giá trị gia đình có thể coi là phần hồn cốt, phần lõi của hệ giá trị quốc gia-dân tộc, vì từ gia đình thì người ta mới đi đến xã hội. Giữ được những nét truyền thống tốt đẹp là điều khó khăn trong bối cảnh cuộc sống hôm nay. Chúng ta nhận thấy nhiều giá trị mai một, nhưng cũng có những giá trị mới xuất hiện. Do đó, việc định vị giá trị mới về văn hoá gia đình là cần thiết.

Chúng ta không điều chỉnh mục tiêu, mà cần điều chỉnh giải pháp thực hiện trong xây dựng văn hóa gia đình, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Có những nếp xưa phai nhạt, nhưng phải khẳng định đó vẫn là hồn cốt của Hà Nội”. Cùng chia sẻ quan điểm này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, việc xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh có mối quan hệ chặt chẽ, tuy một mà hai, tuy hai mà một.

Chính vì vậy, xây dựng hệ giá trị cốt lõi của gia đình không thể tách rời giá trị thanh lịch, văn minh - nét truyền thống, vốn tinh hoa mà ông cha đã trao truyền lại cho mỗi người dân Hà Nội. Ngược lại, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là sự thể hiện ra bên ngoài xã hội của những giá trị mà mỗi cá nhân đã được bồi đắp, giáo dục từ gia đình.

Từ thực tế này, dự kiến Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” để định vị một số giá trị mới, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời gian tới.