Sớm đưa sân vận động Ninh Bình vào hoạt động hiệu quả

Sân vận động Ninh Bình được đầu tư xây dựng quy mô, hoành tráng, với đầy đủ các hạng mục, trang thiết bị nhằm phục vụ SEA Games 22, từng được coi là “chảo lửa” diễn ra những trận bóng đá đỉnh cao trong Giải V-League của đội bóng địa phương Xi-măng The Vissai Ninh Bình.

Sân vận động Ninh Bình bị xuống cấp nghiêm trọng.
Sân vận động Ninh Bình bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, từ năm 2014 khi đội bóng này giải thể, sân vận động đã trở nên “lạnh lẽo”. Nhiều hạng mục công trình của sân đang xuống cấp, hư hỏng nặng. Người dân mong các cơ quan chức năng sớm thực hiện các biện pháp sửa chữa và khai thác hiệu quả, tránh lãng phí kéo dài.

Xuống cấp nghiêm trọng

Sân vận động Ninh Bình nằm giữa trung tâm TP Ninh Bình, được cải tạo, nâng cấp từ năm 2003 để chuẩn bị cho SEA Games 22 tại Việt Nam. Với sức chứa khoảng 22 nghìn chỗ ngồi, được trang bị đầy đủ các hạng mục, thiết bị phục vụ cho thể thao đỉnh cao, như: sân bóng đá, đường pít quanh sân phục vụ môn điền kinh, sân nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ, nhà điều hành; khán đài A thiết kế hai tầng có mái che… Đây là sân bóng đá lớn đạt tiêu chuẩn SEA Games, là một trong những sân vận động hiện đại bậc nhất Việt Nam thời điểm đó.

Năm 2010, Sân vận động Ninh Bình trở thành sân nhà chính thức của CLB Bóng đá Xi-măng The Vissai Ninh Bình khi CLB này giành quyền lên chơi ở Giải V-League. Trong nhiều mùa giải, Sân vận động Ninh Bình được mệnh danh là một trong những “chảo lửa” sôi động nhất tại Giải V-League, cũng như nhiều trận cầu tâm điểm, các trận chung kết Cup Quốc gia hay Giải bóng đá Ninh Bình mở rộng.

Sau khi CLB Bóng đá Xi-măng The Vissai Ninh Bình bị giải thể, Sân vận động Ninh Bình được bàn giao lại cho Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình, thì sân vận động này hầu như đóng cửa, bỏ không. Do không được bảo dưỡng, sửa chữa và sử dụng đúng mục đích trong suốt nhiều năm, cho nên nhiều hạng mục của công trình hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, mặt sân bóng đá có nhiều ổ gà, hệ thống tưới nước tự động đã bị tháo dỡ; các khán đài quanh sân xuống cấp, hàng rào ngăn cách các khán đài hoen gỉ, khu ghế ngồi trên khán đài A bị lão hóa, gãy hỏng gần như toàn bộ. Các phòng chức năng, khu vệ sinh không bảo đảm yêu cầu sử dụng; hệ thống điện bị hư hỏng, trạm biến áp dừng hoạt động… Trong khu vực các phòng chức năng ở khán đài A, một số phòng được sửa chữa, gia cố lại để các VĐV thể thao ở tạm cũng xập xệ, nhếch nhác.

Tìm giải pháp sử dụng hiệu quả

Làm việc với chúng tôi về vấn đề xuống cấp, nhếch nhác của sân vận động, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình Vũ Hồng Minh giải thích: Từ năm 2016, Trung tâm được Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình giao quản lý, sử dụng sân vận động sau hai năm “bỏ hoang”. Do trong thời gian dài không có đơn vị nào quản lý, cho nên từ khi tiếp nhận, sân đã bị xuống cấp. Hiện tại, với nguồn ngân sách còn hạn hẹp, cho nên một số hạng mục như: Hệ thống khán đài, ghế ngồi cho khán giả, một vài phòng chức năng vẫn chưa được sửa chữa; mặt sân bóng đá không còn đáp ứng được các hoạt động thể thao chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi tỉnh chưa có bóng đá chuyên nghiệp, yêu cầu về mặt sân cỏ tự nhiên đáp ứng tiêu chuẩn của Giải V-League không có, thì việc duy trì chất lượng sân cỏ như hiện nay, vẫn có thể đáp ứng các phong trào thể thao của tỉnh.

Sân vận động vẫn đang phục vụ đúng các chức năng hoạt động thể thao của tỉnh, như phục vụ ba giải bóng đá, công tác tập trung và đào tạo huấn luyện viên. Hiện, sân đang là nơi tập luyện và sinh hoạt thường xuyên của bộ môn điền kinh thuộc Trung tâm, và các bộ môn khác như bóng chuyền, võ, vật. Để các vận động viên tập trung sử dụng các phòng chức năng làm phòng ở, Trung tâm đã cho lắp thêm đèn, bình nóng lạnh… Khi tổ chức các giải đấu bóng đá cần nguồn điện lớn, Trung tâm đã thuê công ty điện lực kéo điện từ ngoài vào phục vụ nhân dân.

Với những hàng ghế nhựa com-po-dít trên khán đài A đã bị hư hỏng, không bảo đảm an toàn và thẩm mỹ, Giám đốc Trung tâm Vũ Hồng Minh cho biết, sắp tới sẽ dỡ bỏ toàn bộ và thay bằng bậc thềm bê-tông. Nhằm tránh lãng phí, khi có các hoạt động lớn, các ghế di động sẽ được đưa vào lắp đặt.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho rằng: Để quản lý và khai thác có hiệu quả hơn nữa Sân vận động Ninh Bình, thì trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo vận động viên thành tích cao; khai thác triệt để sân vận động tỉnh phục vụ nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình có thể xây dựng đề án sử dụng sân vận động theo hướng xã hội hóa, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư, nhằm khai thác tới mức cao nhất công năng sử dụng của tài sản, tạo nguồn kinh phí chủ động sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất. Do trong thực tế, nhiều câu lạc bộ bóng đá phong trào thường thi đấu trên sân cỏ nhân tạo, cho nên trước mắt, mặt sân sẽ được chuyển sang cỏ nhân tạo để phục vụ thiết thực nhu cầu hoạt động thể dục - thể thao của quần chúng nhân dân.