Điệu tamya kết nối cộng đồng

Sau thời gian dài rơi vào quên lãng, những điệu dân vũ tamya của người Chu Ru bỗng hồi sinh mạnh mẽ. Người già dạy cho lũ trẻ, lũ trẻ lại kết nối, lan tỏa để những vũ điệu tamya arya, t’rumpô, păhgơnăng… mãi đong đưa, góp phần gắn kết cộng đồng các dân tộc trên cao nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Điệu tamya quyến rũ của người Chu Ru.
Điệu tamya quyến rũ của người Chu Ru.

Nghệ nhân Ma Bio, ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Tamya là múa. Còn arya, t’rumpô, păhgơnăng, dămtơra... là các vũ điệu. Đối với người Chu Ru, trong các sự kiện có tính cộng đồng, cộng cảm, không thể thiếu các điệu tamya trên nền nhạc của trống (sơgơr), đồng la (sar), rơkel (kèn bầu)… Đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu Ru”.

Ánh trăng chênh chếch trên đỉnh núi thiêng K’Lơl. Lửa bập bùng, nhịp chiêng, điệu rơkel quấn quyện những đôi chân trần của các chàng trai, cô gái miền sơn cước trong men say đại ngàn. Ma Bio khơi điệu arya - điệu dân vũ mời khách thưởng thức rượu cần và nhảy múa. Đây là vũ điệu mang tính cộng đồng cao, thể hiện tình đoàn kết dân tộc và thường được sử dụng trong các lễ hội, kết giao, động tác khá đơn giản cho nên nhiều người đều có thể hòa nhịp. “Arya, vũ điệu mở đầu và kết thúc tùy thuộc vào không khí, thời gian của lễ hội, cuộc kết giao. Nói đơn giản, nhưng sự tinh tế nằm ở hình thái những ngón tay, ai tinh ý đều có thể nhận ra người nào múa đẹp”, Nai Luyến, học trò của nghệ nhân Ma Bio, thổ lộ.

Theo những người già trong buôn làng Diom A, ngày xưa, arya xuất hiện từ các lễ cúng bái. Sau đó, với những động tác múa mộc mạc và trở thành điệu múa dân gian, arya thường mở đầu cho các lễ hội văn hóa, lễ kết giao giữa các buôn làng và trong các cuộc vui. Ánh trăng nhạt dần. Nghệ nhân Ma Bio đánh chiêng, Ya Nam giữ nhịp sơgơr với tiết tấu chậm, làm nền cho vũ điệu arya. Dưới ánh trăng, các sơn nữ Chu Ru hóa thân vào điệu vũ, mềm mại, như sợi dây kết nối thiêng liêng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Với người Chu Ru, khi sơgơr, sar, rơkel tấu lên, là lúc thông điệp của những người con buôn làng đã được thần linh chấp thuận. Mối giao cảm giữa con người và các đấng vô hình được thiết lập qua từng khúc thức âm nhạc, điệu vũ, được cộng đồng quy định nghiêm ngặt về phương thức diễn tấu và diễn xướng. Nếu arya là vũ điệu phần lớn dành cho các cuộc vui, thì t’rumpô được coi là vũ điệu thiêng, chặt chẽ trong khúc thức, nhã nhặn trong nhịp điệu, mời thần.

Trong đời sống tín ngưỡng của người Chu Ru, họ thường thờ thần lúa, thần đình, thần đập nước, thần cây cổ thụ… và được cúng tế theo chu kỳ nhất định, do cộng đồng quy ước. Nhịp chiêng, nhịp trống vẫn quyện hòa, chậm rãi. Vít cong cần rượu, già làng Ya Thơng thổ lộ: “Chu Ru là cư dân trồng lúa nước, lễ hội chủ yếu là nghi lễ nông nghiệp, trải dài suốt chu kỳ canh tác cho nên rất nhiều lễ cúng liên quan, như cúng đầu mùa, gieo giống, mừng lúa trổ bông, mừng lúa chín, lễ rửa chân trâu… Thường sau những nghi thức tín ngưỡng là vũ điệu t’rumpô, kết nối thần linh”.

Lửa rừng bập bùng. Ngưng tấu rơkel, già Ya Thơng cho biết: “Người Chu Ru còn có vũ điệu dămtơra kết nối gái trai. Bởi thế, nên người Chu Ru cứ lớn lên là biết múa điệu này. Vũ điệu có tiết tấu nhạc đệm rộn ràng, cởi mở. Đây cũng là dịp để trai gái kết giao, con gái tìm người mình ưng ý để bắt chồng”.

Đêm tận hưởng niềm vui, âm nhạc, điệu vũ trong lễ hội đại đoàn kết toàn dân tộc, mọi người, không phân biệt Kinh, Thượng, già trẻ, gái trai, cùng ăn những món thần linh ban cho, sản vật nhờ thần linh mới có, được vít cong cần rượu nghiêng ngả đêm rừng, được chuyện trò, kết giao, múa hát… trong tiếng chiêng, tiếng trống, kèn bầu khoan nhặt đắm say. Khi ánh trăng khuất phía cuối buôn, lại tấu khúc păhgơnăng bịn rịn tiễn đưa khách.

Mỗi điệu chiêng, điệu vũ của người Chu Ru đều gửi gắm một thông điệp với thần linh, với rừng xanh, với cộng đồng… trong chính không gian thiêng của buôn làng, không gian văn hóa nuôi sống nó. Lòng người, hồn chiêng và những vũ điệu tamya mê hoặc, quyện hòa, thao thiết, thì thầm trong tiếng chiêng, điệu rơkel ngân dài tận đỉnh núi. Chính vì vậy, trong các sự kiện mang tính cộng đồng, cộng cảm, người Chu Ru đều sử dụng âm nhạc cồng chiêng, hoặc hợp âm chiêng, trống, rơkel… cùng các điệu vũ, từ nghi lễ cúng thần, đến cưới hỏi, tang ma.

Tamya được sinh ra trên chính nền âm nhạc cổ cùng tên với điệu vũ. Bởi vậy, trình diễn ngôn ngữ hình thể không thể thiếu nhịp chiêng và ngược lại, điệu chiêng ngân dài mà vắng dân vũ cũng sẽ lạc phách, thiếu sự khơi gợi. Chiêng, trống, kèn bầu và tamya phải quyện hòa, khi mải miết rong chơi trên đỉnh núi lớn, khi dặt dìu trong những vòng xoang, cùng vui ngày hội.