5 tuần trước, đang ở thai kỳ tuần 27, sản phụ Đoàn Thị Minh Trang (sinh năm 1988, Lào Cai) có biểu hiện ra máu. Sau khi nhập viện ở địa phương, gia đình đã xin xe cấp cứu xuống thẳng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Trong tâm trạng đầy lo lắng mang thai đầu lòng, Trang được các bác sĩ trấn an: “Về tới đây rồi em không phải sợ nữa. Nếu sinh non, trẻ sẽ được tiêm trưởng thành phổi và chăm sóc trên Khoa Sơ sinh”.
Sau 2 ngày nhập viện, không thể giữ con trong bụng lâu, Vũ Quang Vinh chào đời ở tuần thai 27. Em bé sinh ra, mẹ chưa được nhìn thấy mặt.
Vinh nhanh chóng được các bác sĩ trợ thở, đặt vào túi giữ nhiệt đưa thẳng lên Khoa Sơ sinh cấp cứu. Suốt 3 tuần, một mình Vinh nằm tại khu Hồi sức của Khoa Sơ Sinh. Trang đầy bồn chồn dưỡng sức khỏe hậu sản ở phòng trọ ngay cạnh bệnh viện.
“May mắn lúc sinh xong, một chị điều dưỡng đã lấy điện thoại quay giúp hình ảnh con được đưa vào túi giữ nhiệt nên em chỉ có thể ngắm con qua điện thoại”, Trang kể. 3 tuần ấy dài đằng đẵng. Một tuần, em được vào thăm con 2 lần, vắt sữa để lại cho con. Thứ 2, 4, 6 bác sĩ sẽ gọi điện thông báo về tình hình của con xem con ăn được thế nào, có phải thở ô-xy không, hay tự thở…
Sản phụ Đoàn Thị Minh Trang hạnh phúc khi chứng kiến con mình phát triển tốt hơn. |
Sau 3 tuần, bác sĩ gọi mẹ đón con về. Lúc ấy, người mẹ trẻ bật khóc. Đứa con bé xíu, nằm lọt thỏm trong tay khiến người mẹ trẻ ban đầu vô cùng lóng ngóng sợ sệt. Đón con về, Trang được bác sĩ hướng dẫn cho ấp kangaroo trung bình một ngày 20 tiếng.
“Các bác sĩ giải thích việc ấp con sẽ tốt cho hệ hô hấp, tim phổi. Hạnh phúc với tôi hằng ngày là được ấp con trong lòng, ngắm con qua gương, nhìn thấy con mình tăng cân, có da thịt hơn từng ngày”, Trang nói.
Sau 5 tuần chào đời, giờ Vinh đã nặng 1,750gr. Trang đang tập cho con bú bình. Sau 2 tuần đón con, giờ Trang đã tự tin hơn, biết chăm sóc đứa con bé bỏng của mình từng chút một.
Nằm cùng phòng với Trang, sản phụ Lê Thị Mỹ Hạnh (41 tuổi, ở Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) đang ấp đứa con gái bé bỏng cũng mới tăng được lên 1,5kg. Đây là con thứ 3 của Hạnh, chào đời ở tuần 28, sau đúng 1 tuần nhập viện do bị thủng ối.
“Các bác sĩ nói cố gắng giữ con đến 30 tuần rồi sinh nhưng ở tuần 28, các chỉ số không tốt, ối cạn, nguy cơ bé bị nhiễm trùng, buộc phải tiêm trưởng thành phổi. Con chào đời nặng có 1,1 kg, bé xíu, sớm hơn dự kiến 3 tháng”, Hạnh kể.
Sản phụ Lê Thị Mỹ Hạnh đón bé gái thứ 3 chào đời với cân nặng chỉ 1,1kg. |
Mới đón con về được 2 tuần, Hạnh kể dù đã làm mẹ 2 lần nhưng lần thứ 3 này cũng vô cùng lóng ngóng vì em bé quá nhỏ, lại vừa trải qua những ngày phải nằm hồi sức tích cực. Mỗi ngày, Hạnh đều tranh thủ thời gian rảnh để ấp con, để cho em bé lắng nghe hơi thở của mẹ. Buổi tối, bố tranh thủ vào ấp kangaroo cho bé 3 tiếng.
“Lúc em bé nằm trên ngực mình em bé ngủ rất ngoan, cảm nghe được cả nhịp tim của mình và con cùng đập”, Hạnh chia sẻ. Thời gian cả ngày ấp con, cũng là thời gian Hạnh được ngủ một giấc sâu.
Những chiếc “túi ngủ” đặc biệt
Phương pháp “Mẹ Kangaroo chăm con” (Kangaroo mother care - KMC) tạo ra sự tiếp xúc da kề da liên tục được lấy cảm hứng từ kangaroo, loài động vật mang con của nó trong một cái túi ở phía trước cơ thể.
Phương pháp Kangaroo (KMC) ra đời đã chứng minh được vai trò không thua kém gì lồng ấp. KMC rất hiệu quả trong việc kiểm soát thân nhiệt của trẻ, dễ dàng để mẹ cho con bú và cung cấp chất dinh dưỡng là mối liên kết chặt chẽ tình cảm của mẹ với con hay người thân trong gia đình với bé.
Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ấp kangaroo là phương pháp tiếp xúc da kề da giữa mẹ/bố với bé. Trẻ sinh non gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị do bệnh lý phức tạp, sức đề kháng thấp nên việc ấp túi ngủ kangaroo giúp cho các trẻ sinh non nhanh chóng hồi phục sức khỏe hơn.
“Những mẹ khi vào đây rồi mới hiểu chăm một trẻ sơ sinh non tháng mới kinh khủng thế nào, cho dù khi ra đến khu ấp này là con đã rất ổn định”, bác sĩ Hương bày tỏ.
Các sản phụ được hướng dẫn tỉ mỉ hằng ngày về chăm sóc con sinh non, trong đó có ấp kangaroo. |
Trước kia khi chưa có khu ấp, Khoa Sơ sinh thường xuyên gặp cảnh đêm hôm các mẹ bế con nhập viện cầu cứu trong tình trạng con tím, không ăn được vì sặc sữa… Mặc dù trước khi trẻ xuất viện, các bà mẹ cũng được luyện tập và hướng dẫn cách chăm con nhưng chỉ ít buổi, chưa đủ.
Nhưng trong hơn 3 năm qua, kể từ khi triển khai kỹ thuật kangaroo để giúp các gia đình có thêm kỹ năng chăm con và hỗ trợ nhiều nhất giai đoạn ban đầu sau rời khỏi phòng điều trị… những người mẹ “đặc biệt” tại đây đã hỗ trợ các sản phụ chăm con một cách khéo léo hơn.
Ở khu ấp các mẹ được tập huấn từ việc cho ăn, giữ ấm, xử trí khi sặc sữa, biết cách cho trẻ thở khi bị tím, biết cách theo dõi con… Bởi có trường hợp, trẻ được mẹ bế đến viện thì đã không thể cứu được cho dù nếu mẹ được tập huấn, đủ tự tin chăm con sẽ hoàn toàn xử trí cứu trẻ tại nhà.
Giờ đây khoa là địa chỉ tin cậy chăm sóc và điều trị những em bé sinh non, cân nặng thấp và cực thấp, các em bé đều được da kề da với mẹ/bố/người thân trong gia đình liên tục 20 giờ. Đây là phương pháp chăm sóc trẻ đơn giản mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện sức khỏe và hình thành tâm lý tình cảm của trẻ non tháng.
Theo bác sĩ Hương, thông qua phương pháp Kangaroo, trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ đẻ non sẽ nhận được lợi ích: Hỗ trợ sự phát triển não bộ; Thúc đẩy sự liên kết giữa mẹ và bé; Cải thiện hơi thở; Điều hòa thân nhiệt; Giúp con bú dễ dàng hơn và tăng cường sữa mẹ; Giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Đồng thời, kỹ thuật này cũng giúp trẻ giảm nhiễm trùng, giảm bệnh tật, giảm các biểu hiện tăng động, lo âu khi lớn.
“Khi ấp con, ngực mẹ như lồng ấp, bảo đảm cho con đủ nhiệt độ, tiếng tim đập của mẹ kết nối với con từ khi trong bụng mẹ, lắng nghe nhịp tim đập của mẹ, đứa trẻ cảm nhận được sức khỏe của mẹ có bình thường hay không… trẻ sẽ yên tâm bởi không gì bù đắp được cho trẻ bằng người mẹ”, bác sĩ Hương kể.
Sản phụ và em bé đều có sức khỏe tốt hơn sau khi được da kề da. |
Không chỉ em bé, sản phụ sau sinh cũng nhận được lợi ích to lớn sau khi da kề da với trẻ như ngăn trầm cảm sau sinh, giảm các bệnh lý liên quan; Sản phụ co hồi tử cung tốt, giảm mất máu; Sữa về sớm và nhiều, duy trì sữa mẹ.
“Các em bé tại Khoa Sơ sinh đều được chăm sóc trong một môi trường an toàn nhất với điều kiện chăm sóc gần nhất với cơ thể của người mẹ, từ nhiệt độ, độ ẩm đến ánh sáng, âm thanh. Chúng tôi hướng dẫn chi tiết và cùng đồng hành với các bố mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ sinh non, trong đó có ấp kangaroo để trẻ nhanh chóng cải thiện các chức năng của cơ thể”, bác sĩ Hương bày tỏ.
Theo bác sĩ có 10 năm kinh nghiệm chăm sóc bé sinh non, tới đây, Khoa sẽ có những lớp đào tạo về kỹ năng kiến thức chăm con, xây dựng các video hướng dẫn cụ thể về 4 bài cơ bản trong ấp con để các bà mẹ có kỹ năng thành thạo chăm sóc trẻ sinh non tại nhà.
Để trẻ được xuất viện là bao công sức chăm sóc và điều trị của các y bác sĩ, do vậy khi trẻ về có xảy ra điều gì do chưa được chăm sóc đúng cách cũng là điều rất đáng buồn với chúng tôi.
Vì vậy, điều chúng tôi mong muốn là có thể đáp ứng được như hướng dẫn, tập huấn các kỹ năng chăm sóc cho các bà mẹ có con non tháng. Với những bạn từ 1,7kg-2kg đều không được vào khu ấp bởi còn để dành chỗ cho các bạn nhẹ cân hơn, do đó rất nhiều mẹ cần được học tập thêm các kỹ năng chăm con.
Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hương