Thông tin trên được Trung tâm bão quốc gia Mỹ đưa ra hôm nay, 9/10. Cụ thể, nhờ hải lưu ấm tại vịnh Mexico, siêu bão Milton đã được “tiếp thêm năng lượng” và liên tục gia tăng cường độ. Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, Milton đã trở thành bão cấp 5 - cấp cao nhất trong thang đo Mỹ.
Dữ liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ cho biết, nhiệt độ bề mặt biển tại vịnh Mexico đã đạt mức kỷ lục 32 độ C trong 2 mùa hè vừa qua. Vào giữa tháng 9, chỉ vài tuần trước khi bão Milton hình thành, vịnh này đã đạt nhiệt độ cao nhất trong năm.
Về cơ chế, khi bão hình thành, chúng sẽ lấy năng lượng từ nhiệt độ trên bề mặt đại dương. Nước càng ấm thì “nhiên liệu” cho bão càng dồi dào.
Vì sao thiên tai và siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều khắp toàn cầu?
Trong khi đó, Cơ quan Biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus cho biết, trong vòng 12 tháng qua, nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,62 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học nhận định: Cơn bão bất thường trên Đại Tây Dương cũng là thí dụ mới nhất cho thấy xu hướng đáng lo ngại khi biến đổi khí hậu đang khiến những cơn bão mạnh và nhanh hơn.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho biết, các cơn bão Đại Tây Dương có khả năng mạnh lên gấp đôi, từ cấp 1 tới cấp 3 chỉ trong vòng 36 giờ.