Điều chỉnh phụ tải điện góp phần bảo đảm an ninh năng lượng

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, điều chỉnh phụ tải điện là một trong các giải pháp quan trọng đang được ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích doanh nghiệp cùng triển khai nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. Giải pháp này cần được phổ biến và nhân rộng khi tính hiệu quả thực tiễn của nó đã được chứng minh.
0:00 / 0:00
0:00

Tiêu thụ điện liên tiếp vượt đỉnh

Những ngày qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, do thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng điện tiêu thụ tại một số thời điểm trong tháng 4/2024 liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023, có ngày tăng gần 98 triệu kWh.

Trong đó, thống kê ghi nhận ngày 3/4 sản lượng điện tiêu thụ của thành phố vượt mốc đỉnh 95,12 triệu kWh; ngày 4/4 lập đỉnh 95,17 triệu kWh; ngày 5/4 lên 96,89 triệu kWh và ngày 9/4 là hơn 97,87 triệu kWh, đây cũng là sản lượng điện tiêu thụ cao nhất trong nhiều năm qua; các ngày 10 và 11/4 xấp xỉ 97 triệu kWh.

Tổng cộng trong ba tháng đầu năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ của thành phố đã tăng 10,79% và đây cũng là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong ba tháng đầu năm, nhiều ngành kinh tế đã phục hồi tích cực, thời tiết nắng nóng đến sớm và kéo dài dẫn tới nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Sản lượng điện thương phẩm ba tháng đầu năm đạt 62,52 tỷ kWh, tăng 13,85% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tập đoàn đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để có thể hoàn thành các công trình lưới điện, nguồn điện, cũng như tăng cường khả năng truyền tải bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện. Tập đoàn cũng tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các quy định ngành điện, khắc phục nhanh chóng những sự cố xảy ra, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng bảo đảm vận hành hệ thống. Cùng với đó là các giải pháp điều tiết hợp lý các nhà máy thủy điện bảo đảm dự phòng công suất điện năng trong cao điểm mùa khô… Tuy nhiên, đối mặt với tình trạng nắng nóng được dự báo sẽ đến sớm, kéo dài, việc vận hành hệ thống điện sẽ có nhiều khó khăn trong các tháng cao điểm nắng nóng, việc điều chỉnh phụ tải được xem là một trong các giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Điều chỉnh phụ tải điện là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia theo các tín hiệu về giá điện hoặc các cơ chế khuyến khích khi có yêu cầu của đơn vị thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện. Qua đó, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải hoặc cần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện.

Triển khai hiệu quả các giải pháp

Ông Lê Phương Bình, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc đưa ra các giải pháp điều chỉnh phụ tải điện và tiết giảm sử dụng điện tối đa trong các giờ cao điểm, đưa việc tiết kiệm điện trở thành thói quen của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ sở kinh doanh, sản xuất là những vấn đề cần được ưu tiên, xem đây là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng. Đây là các giải pháp không quá phức tạp, không phát sinh chi phí đầu tư mà hiệu quả mang lại cho xã hội, ngành điện và doanh nghiệp là rất lớn.

Theo ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh, việc điều chỉnh phụ tải điện là giải pháp của toàn ngành điện lực nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất-kinh doanh, góp phần bảo đảm công tác cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn, đồng thời hạn chế các sự cố trên hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Mặt khác, khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội cơ khí điện Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Kỹ thuật công nghệ Ánh Dương Sài Gòn cho rằng, Nhà nước đã có chính sách cụ thể ưu đãi với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực năm 2011 quy định cụ thể về các vấn đề như ưu đãi về thuế, vốn vay; thậm chí các dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn được xem xét, hỗ trợ kinh phí từ chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từ đây, các doanh nghiệp có thể vận dụng để thực hiện hiệu quả hơn nữa vấn đề tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho doanh nghiệp của mình.

Trong nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 3,5% vào năm 2025; phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% số nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn led.