Chiều 29/10, tại họp báo thường kỳ tháng 10 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với báo chí thông tin liên quan đến điều chỉnh giờ học của học sinh.
Theo Thứ trưởng, điều chỉnh giờ học của học sinh có tác động rất lớn.
“Chúng ta biết số giờ ngủ của học sinh là rất quan trọng đối với việc học tập và việc này phải nghiên cứu rất kỹ, bởi có ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn hiệu quả học tập của học sinh” - Thứ trưởng nói.
Hiện nay, theo nhiều nghiên cứu, không chỉ học sinh ở Việt Nam mà học sinh trên thế giới có xu hướng đi ngủ muộn. Vì vậy nếu như đi học sớm thì sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập.
Giờ học của học sinh còn tùy theo từng địa phương, thời tiết, theo mùa... Thứ trưởng lấy thí dụ ở châu Âu, học sinh và sinh viên thường bắt đầu giờ học muộn. Ở Việt Nam cũng có sự khác biệt giữa thời tiết mùa đông và mùa hè. Ngoài ra, còn liên quan tới giờ làm của cha mẹ, giờ hành chính của các địa phương, giờ làm các khu công nghiệp...
Theo quy định về phân cấp quản lý nhà nước, việc quyết định giờ học là của địa phương. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá thời gian qua, việc quyết định giờ học ở các địa phương tương đối phù hợp.
Vừa rồi, tiếp thu ý kiến phản ánh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định điều chỉnh thời gian vào học của học sinh.
“Theo chúng tôi, những gì chưa hợp lý về giờ vào học, ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kết quả kỳ học của học sinh và gây khó khăn cho việc đi lại của cha mẹ thì nhất thiết phải điều chỉnh” - Thứ trưởng nói. Cách làm của Thành phố Hồ Chí Minh là khảo sát ý kiến, quyết định theo đa số ý kiến 93% đồng thuận để điều chỉnh lại giờ học cho học sinh là hợp lý.
Tuy nhiên, tùy tình hình từng địa phương, cần có khảo sát, đánh giá kỹ nếu tiến hành điều chỉnh giờ học. Trong việc liên quan đến giao thông như ở Hà Nội thì theo chúng tôi, ưu tiên giờ học của học sinh trước, từ đó tính toán, điều chỉnh giờ làm việc của viên chức, công chức - Thứ trưởng nhấn mạnh.