Nhớ về Đất Đỏ là nhớ về quê hương người thiếu nữ kiên trung. Anh hùng Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, nay là xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Quê hương chị Sáu có dãy núi Châu Viên-Châu Long hùng vĩ, nổi danh là Chiến khu Minh Đạm trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sinh ra và lớn lên trên miền quê giàu truyền thống cách mạng, chứng kiến cảnh thực dân Pháp đàn áp, bóc lột đồng bào, tàn phá quê hương, chị Sáu sớm được giác ngộ cách mạng. 12 tuổi tham gia cách mạng qua nhiều lần thử thách, chị Sáu được kết nạp vào Đội công an xung phong Đất Đỏ lúc 14 tuổi. Chị đã dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao như: giao liên, mua hàng tiếp tế cho các tổ chức cách mạng. Năm 1948, chị tham gia phá tề, trừ gian, giết cai tổng Tòng, rồi cùng đồng đội phá cuộc mít-tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp do ngụy quyền tổ chức, và trực tiếp tiêu diệt nhiều lính Pháp ở Vũng Tàu. Tại phiên chợ Tết năm 1950, trong khi ném lựu đạn vào tốp lính ngụy tại chợ Đất Đỏ, chị đã bị bắt.
Trong hơn một tháng bị giam tại nhà tù Đất Đỏ, bị giặc tra tấn dã man, chị vẫn một lòng son sắt với cách mạng, không khai nửa lời. Địch chuyển chị về khám Chí Hòa. Ngày 21/1/1952, chị bị đày ra Côn Đảo với số tù 6267 và bị giam riêng ở Sở Cò. Chị Sáu là nữ tù nhân đầu tiên và trẻ nhất tại Côn Đảo. Ngay tại đêm trước khi lĩnh án tử hình, chị Sáu đã thề trước lá cờ Đảng và trở thành người nữ đảng viên trẻ tuổi nhất vào đầu năm 1952. Và đúng sáng hôm sau, ngày 23/1/1952, chúng bí mật đưa chị ra pháp trường xử bắn. Chị Võ Thị Sáu - người thiếu nữ Anh hùng của quê hương Đất Đỏ đã đi vào huyền thoại góp phần ghi dấu son truyền thống trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Ngày 2/8/1993, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định 149/KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho chị Võ Thị Sáu.
Để tưởng nhớ, tri ân người con gái Đất Đỏ kiên trung, Đảng và Nhà nước đã đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm và Tượng đài nữ Anh hùng Võ Thị Sáu tại nơi chị sinh ra và lớn lên. Với lối kiến trúc mang nét đặc trưng của làng quê Việt Nam, Nhà tưởng niệm đã trở thành điểm đến mà nhiều du khách trong nước, nước ngoài lựa chọn khi có cơ hội được ghé thăm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cách đó chừng 100m là công viên Tượng đài và Đền thờ Anh hùng Võ Thị Sáu. Tượng chị được đặt ở nơi trang trọng, bốn mùa ngát hương với hoa sứ, hoa ngọc lan, hoa lêkima; đẹp và yên bình.
Quê hương chị Sáu, vùng quê nghèo giàu truyền thống cách mạng hôm nay đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Hai bên đường là những vườn cây xanh mướt, những cánh đồng lúa trải dài; giao thông rộng mở, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Trong những năm qua, song song với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ngành du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện Đất Đỏ.
Các khu du lịch cao cấp đã và đang thành hình trên cung đường ven biển thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Ông Nguyễn Văn Nam, khu phố Hải An, thị trấn Phước Hải cho biết, những năm gần đây, Nhà nước đầu tư hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm đồng bộ, khang trang đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống ngày càng cao.
Ông Nguyễn Công Danh, Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ cho biết, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống người dân, thời gian tới, huyện Đất Đỏ sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch đề ra; khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời tập trung thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với chăm lo đời sống người dân.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, huyện Đất Đỏ cần xây dựng chính sách, giải pháp thu hút các dự án, tổ hợp du lịch đẳng cấp, chất lượng cao. Trong đó du lịch biển gắn với du lịch lịch sử-văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, từng bước đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện. Tổng doanh thu du lịch năm 2023 ước đạt 650 tỷ đồng, tăng gấp 81 lần so với năm 2003. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đã được huyện đầu tư hoàn thiện nhằm phục vụ phát triển du lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện có 49 doanh nghiệp và cơ sở lưu trú kinh doanh dịch vụ du lịch-lưu trú với tổng số 1.102 phòng lưu trú và 355 căn biệt thự.
Sau hơn 20 năm, cơ cấu kinh tế của huyện tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Huyện có khu công nghiệp Đất Đỏ I và cụm công nghiệp chế biến hải sản Lộc An. Hệ thống thương mại dịch vụ đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cũng đã dồn toàn lực để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 thị trấn Đất Đỏ và Phước Hải đạt chuẩn đô thị văn minh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. Toàn huyện có 7 dự án, 354 mô hình với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 356,92 ha.
Đất Đỏ có 20 sản phẩm/12 chủ thể được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 10 sản phẩm đạt 3 sao và 10 sản phẩm đạt 4 sao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn huyện đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm.