Theo báo cáo "Tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và các hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em năm 2024" do Hội đồng Ðội Trung ương vừa thực hiện, trẻ em mong muốn có thêm các điểm sinh hoạt, vui chơi dành riêng trên địa bàn dân cư, đồng thời tăng cường các sân chơi lành mạnh trên môi trường internet, khu vui chơi giải trí miễn phí với nội dung, hình thức phong phú, nhất là tại địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của hệ thống cung, nhà thiếu nhi trên cả nước - những địa điểm ra đời với vai trò phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí chính đáng của các em nhỏ lại đang thể hiện nhiều bất cập.
Thống kê mới nhất của Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho thấy, những năm trở lại đây, hệ thống cung, nhà thiếu nhi ở nước ta đã giảm gần một nửa.
Cụ thể, năm 2017, cả nước có 209 cung, nhà thiếu nhi ở cả cấp tỉnh và cấp huyện. Năm 2018, con số này đột ngột giảm xuống còn 168. Qua các năm 2019, 2020 và 2021, tổng số cung, nhà thiếu nhi cấp tỉnh, cấp huyện trên cả nước lần lượt giảm còn 134, 126 rồi 122 đơn vị. Năm 2024, hệ thống cung, nhà thiếu nhi nêu trên chỉ còn 126 đơn vị, với 24 đơn vị cấp tỉnh và 102 đơn vị cấp huyện.
Năm 2024, hệ thống cung, nhà thiếu nhi cả nước đã tổ chức hơn 1.000 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Ðội và nâng cao năng lực cán bộ chỉ huy Ðội; triển khai nhiều mô hình vui chơi, giải trí thu hút gần 7 triệu lượt thiếu nhi tham gia.
Ngoài ra, các cung, nhà thiếu nhi đã tổ chức hơn 1.300 lớp dạy bơi miễn phí, hơn 340 trại hè, trại sáng tác, khoảng 1.000 lớp huấn luyện kỹ năng, hơn 15 nghìn lớp năng khiếu cho thiếu nhi. Ðặc biệt, hệ thống cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi các tỉnh đã thực hiện gần 800 hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ gần 382 nghìn thiếu nhi với tổng giá trị gần 26 tỷ đồng.
Trong khi công tác Ðội và phong trào thiếu nhi ngày càng trở nên hiệu quả, sôi nổi, tỷ lệ thuận với nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí chính đáng của các em nhỏ trên khắp mọi miền Tổ quốc, thì hệ thống nhà, cung thiếu nhi lại ngày càng gặp nhiều rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Một số nhà thiếu nhi hiện chưa phát huy hết tiềm năng, thiếu sự chuyển biến, đổi mới về mô hình hoạt động dành cho thiếu nhi do đội ngũ cán bộ còn thiếu, chưa đủ nguồn lực con người để thực hiện nhiệm vụ. Việc đầu tư xây dựng và định hướng hoạt động hệ thống nhà thiếu nhi ở một số nơi còn yếu, cơ sở vật chất bị hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu học tập, sinh hoạt của thiếu nhi.
Bên cạnh đó, do thực hiện cắt giảm kinh phí được cấp từ ngân sách và nguồn kinh phí tự chủ còn hạn chế, công tác vận động nguồn lực xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, cho nên một số đơn vị khó có thể bảo đảm việc duy trì hoạt động.
Tại một số địa phương, nhà thiếu nhi cấp huyện có nơi còn chưa có quyết định thành lập bộ máy hoặc có bộ máy và trụ sở nhưng chưa đi vào hoạt động; cá biệt có trường hợp để cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp. Nhiều đơn vị chỉ có nhà thiếu nhi cấp tỉnh, chưa có nhà thiếu nhi cấp huyện, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo sân chơi cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa…
Vì vậy, cần có một nghị định của Chính phủ để thay thế hệ thống văn bản cũ gắn với việc bảo vệ các cung, nhà thiếu nhi cho trẻ em cả nước. Trong bối cảnh tiếng nói của trẻ em đã được đưa vào hệ thống luật hiện hành, thiếu nhi cả nước cần được trao cơ hội tiếp cận các sân chơi, thiết chế liên quan một cách đồng đều.
Ðặc biệt, cần phát huy có hiệu quả hơn hệ thống cung, nhà thiếu nhi trong bối cảnh sáp nhập, tinh gọn bộ máy hiện nay theo hướng tiếp tục tổ chức, thiết kế những hoạt động dành cho thiếu nhi, tăng cường phát hiện tài năng trẻ. Từ đó, các cung, nhà thiếu nhi trên cả nước mới có thể giữ vững vai trò địa chỉ tin cậy để chăm sóc, rèn luyện, ươm mầm tài năng, giáo dục đội viên, thiếu niên và nhi đồng.