Bản quyền ca khúc:

"Mê khúc" - cảnh báo đầu tiên về nạn "ké tên"

Nhạc sĩ Bảo Phúc (trái)<br>và Anh Thoa năm 1996.
Nhạc sĩ Bảo Phúc (trái)<br>và Anh Thoa năm 1996.

"Lý lịch" thăng trầm của Mê khúc

Hội âm nhạc TP Hồ Chí Minh nhận được thư của tác giả Trịnh Văn Thoa (bút danh Anh Thoa) trình bày về những sự việc xung quanh ca khúc Mê Khúc.

Tác giả Anh Thoa (bị chấn thương cột sống gây liệt nửa người) tường trình: "Sau hai năm điều trị ở bệnh viện, tôi về nhà để đón Tết (năm 1989). Trong đêm giao thừa, nhìn vợ quá vất vả, tôi đã cảm xúc viết tặng vợ tôi bài nhạc mang tên Hạnh phúc còn lại.

Sáng hôm sau, vợ chồng nhạc sĩ Bảo Phúc đến nhà chúc Tết, tôi đem khoe bài nhạc này và được Bảo Phúc đề nghị đem đi phổ biến rộng rãi. Tôi nói, đây là bài nhạc có tính chất riêng tư nên nếu Phúc muốn phổ biến ra ngoài, tôi sẽ viết một lời khác có nội dung rộng hơn. Khoảng hai tháng sau tôi viết xong lời mới (là bài nhạc Mê khúc hiện tại). Tôi dưa Bảo Phúc đế phổ biến.

Nhờ nhạc sĩ Bảo Phúc, bài hát Mê khúc nhanh chóng được phổ biến rộng rãi, nhưng suốt 15 năm nay, "lý lịch" của nó rất thăng trầm.

Anh Thoa cho biết: "Lần đầu tiên bài nhạc được phổ biến trong album Lạc mất em của Cẩm Vân do Trung tâm băng nhạc Trẻ phát hành tháng 5-1992 với tên tác giả là Bảo Phúc. Tôi có thắc mắc với Phúc thì được Phúc giải thích là lỗi do khâu in ấn nhưng Phúc có gửi tôi tiền tác quyền? Sau đó, trong vở kịch Những năm tháng đợi chờ của Đài Truyền hình thành phố, bài hát này được sử dụng với tên Bảo Phúc - Anh Thoa. Bạn bè tôi cư ngụ ở Mỹ cho biết bài Mê khúc được sử dụng trong album Mê khúc - Ý Lan 2 do Ý Lan Production phát hành năm 1995 tại Mỹ có tên tác giả là Bảo Phúc. Tôi có hỏi Bảo Phúc thì được trả lời là bản thân Bảo Phúc cũng không biết chuyện này. Sau đó, không nhớ rõ thời điểm nào, tôi đọc báo thấy có phát hành album Anh đã chết của Cẩm Vân - Khắc Triệu do Trung tâm băng nhạc Trẻ phát hành, trong đó có bài Mê khúc với tên tác giả là Bảo Phúc. Tôi có hỏi thì Phúc cũng giải thích là lỗi do khâu in ấn. Gần đây nhất là VCD Mê khúc của Quang Dũng do Bến Thành Audio phát hành, tên tác giả là Bảo Phúc. Tôi hỏi thì cũng được giải thích là lỗi do khâu in ấn. Sau khi Bến Thành Audio có lời đính chính xin lỗi, Phúc có gửi tôi 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi bạn bè tôi phản ảnh đến báo chí, xin làm rõ mọi việc thì Bảo Phúc lại không thừa nhận Mê khúc là của tôi mà cho rằng bài này là đồng tác giả...".

Chỉnh sửa bài hát của đồng nghiệp thì không nên nhận đồng tác giả

Sáng 23-12-2004, Ban kiểm tra của Hội Âm nhạc gồm NS Phạm Đăng Phương (trưởng ban) cùng các thành viên gồm NS Phan Huỳnh Điểu, NS Hồ Bông và NS Võ Công Anh đã có buổi làm việc trực tiếp với NS Bảo Phúc và NS Anh Thoa.

Lúc đầu, NS Bảo Phúc vẫn cho rằng bài Mê khúc là viết chung, nhưng sau đó lại đính chính: "... đã được tôi chỉnh sửa về khúc thức, kỹ thuật và Anh Thoa đã thống nhất cho phổ biến. Sau khi phổ biến có đôi lần không có tên Anh Thoa nhưng tôi vẫn trả tiền nhuận bút và xin lỗi do nhà xuất bản quên".

Cuối cùng, NS Bảo Phúc đành xác nhận bài Mê khúc chỉ của riêng Anh Thoa và xin rút tên, không nhận là đồng tác giả nữa. Đồng thời, NS Bảo Phúc cũng thống nhất với Ban kiểm tra đưa sự việc này ra công luận.

Giới bảo vệ bản quyền nói gì?

Ông Tô Văn Long - Trưởng phòng quản lý bản quyền - Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thông tin):

Quyền tác giả là quyền dân sự, cho nên tranh chấp quyền tác giả thực chất là tranh chấp dân sự.

Qua vụ việc Anh Thoa- Bảo Phúc, tôi thấy có dấu hiệu vi phạm bản quyền tác giả ở phần sau của sự việc bởi tác giả Anh Thoa chỉ đồng ý cho chỉnh sửa và phổ biến chứ không đồng ý ký tên chung. Mối quan hệ trong trường hợp này luôn đan xen với nhau: Quyền lợi của người này là nghĩa vụ của người kia.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, những thoả thuận giữa Anh Thoa và Bảo Phúc đều là thoả thuận miệng, rất khó xác minh khi có một vụ kiện thực sự.

Các tác giả phải lưu ý, những vấn đề về tác quyền phải được xác định ngay từ đầu bằng văn bản hợp pháp sau này mới dễ giải quyết.

+ Nhưng NS Bảo Phúc có trả tiền tác quyền cho tác giả Anh Thoa?

- Tiền tác quyền là quyền lợi về kinh tế cho tác giả, trả tiền này thì đảm bảo được quyền kinh tế, nhưng không giải quyết được thiệt hại về quyền nhân thân của tác giả.

+ Với hàng loạt những chương trình và sản phẩm (CD, VCD) ra đời không công bố tên tác giả Anh Thoa, vi phạm của NS Bảo Phúc thế nào?

- Về vấn đề này phải xem xét thật kỹ. Hiện khá nhiều hãng sản xuất, nhất là ở nước ngoài khá ẩu trong khâu thẩm định nguồn gốc tác phẩm để bảo đảm luật bản quyền. Nếu họ công bố tên tác giả, tác phẩm không hỏi NS Bảo Phúc thì Bảo Phúc cũng không phải chịu trách nhiệm.

Ông Phan Phương - Phó GĐ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam):

Đây là trường hợp đầu tiện người chỉnh sửa tác phẩm nhưng lại ký tên mình bị đưa ra công luận. Dân gian họ gọi trường hợp này là "ké tên"... Với tư cách là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các tác giả âm nhạc, tôi rất buồn trước hiện tượng này. Thực ra mọi việc đơn giản hơn nhiều nếu làm đúng luật. Cũng như các tác phẩm nước ngoài, với nhiều trường hợp khi xin phép được phổ biến, tác giả còn cảm ơn nhiệt liệt, thậm chí còn giúp đỡ tài trợ. Nhưng không xin phép là họ kiện ngay!

+ Vậy theo ông cần xử lý thế nào?

- Quan điểm riêng tôi thì Hội Nhạc sĩ cần phải có những cảnh báo thật nghiêm khắc với Hội viên qua trường hợp này. Riêng với anh Bảo Phúc, tôi thấy thật đau xót nhưng cũng phải thẳng thắn chấp nhận một hình thức kỷ luật nào đó của Hội NS TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tôi không có thẩm quyền phát biểu thay các anh ở Hội NS TP Hồ Chí Minh được.

+ Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã giải quyết vụ việc nào tương tự chưa?

- Chúng tôi có trong tay một vài vụ, nhưng chưa đến lúc đưa ra!

NS Trần Long Ẩn - Phó Tổng thư ký Hội NS TP Hồ Chí Minh:

Đây là một tranh chấp dân sự giữa một tác giả ngoài Hội NS (Anh Thoa) với một NS là hội viên (Bảo Phúc), chúng tôi chủ trương hoà giải, không đế xảy ra kiện cáo kéo dài.

Về hình thức kỷ luật, hiện chưa có hình thức chính thức. NS Bảo Phúc cũng đã nhận sai sót. Chúng tôi sẽ đưa trường hợp này ra làm bài học kinh nghiệm cho các hội viên trong các đợt sinh hoạt Hội. Vấn đề bản quyền trước tới nay Hội NS TP Hồ Chí Minh làm rất triệt để. Tôi nghĩ đây cũng sẽ là vấn đề "nóng" tại Đại hội Hội NS TP Hồ Chí Minh sắp diễn ra vài ngày tới.