Tham dự diễn đàn có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương...
Đặc biệt, trong khuôn khổ diễn đàn, trước sự chứng kiến của hơn 1.300 đại biểu Việt Nam và quốc tế, Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế thực tế ảo Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra.
Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các cơ quan chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp trong nước và quốc tế về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hóa, trong bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển nhanh, khó lường, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch toàn cầu, từ đó đề xuất giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nông nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, phát huy vai trò của gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp các châu lục, trong thời gian qua, Bộ đã tăng cường kết nối giữa các địa phương, doanh nghiệp trong nước với các đối tác quốc tế; đồng thời, sẽ phối hợp các bộ, ngành đồng hành cùng địa phương và doanh nghiệp trong hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận xu thế lớn của thế giới, nắm bắt thời cơ phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số; chủ động đề xuất những sáng kiến triển khai hoạt động thiết thực đóng góp thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thông minh nói riêng.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chuyển đổi số trong nông nghiệp là việc làm cấp thiết và phải đẩy nhanh. Hiện, nông nghiệp Việt Nam chịu ba thách thức chính là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng thế giới. Nông nghiệp Việt Nam phải căn cứ vào thị trường để sản xuất tương ứng, phải trở thành nền nông nghiệp đa giá trị dựa vàokhoa học - công nghệ, chuyển đổi số...
Trong buổi tọa đàm, các diễn giả trong và ngoài nước đều khẳng định, phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, đồng thời đưa ra một số điều kiện để Việt Nam có thể hiện thực hóa được mục tiêu này bao gồm: nâng cao cơ sở hạ tầng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nông nghiệp; thay đổi tư duy và thói quen canh tác từ mô hình nhỏ lẻ theo hướng hiện đại hóa; chuẩn bị nguồn lực tài chính và tiếp cận mọi công nghệ cần thiết…
Theo Tiến sĩ Tan Siang Hee - đại diện CropLife (Hiệp hội ngành thúc đẩy ứng dụng khoa học nông nghiệp), vận hành một hệ thống chính sách trên nền tảng khoa học, rõ ràng và tiếp thu các nghiên cứu và dữ liệu quốc tế là điều kiện kiên quyết để phát triển và chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hóa và bền vững.
Trước đó, trong buổi sáng đã diễn ra hai phiên thảo luận chuyên đề với chủ đề “Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam” và “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa nông nghiệp Việt Nam”
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp để giải quyết những nút thắt trong việc bảo đảm phát triển bền vững, cung ứng kịp thời nhân lực và đẩy nhanh chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp Việt Nam.