Điện Biên quan tâm tạo lập nguồn vốn cho người nghèo

Là tỉnh nghèo, vốn đầu tư phát triển hầu như phụ thuộc hoàn toàn ngân sách trung ương, tuy nhiên 10 năm qua Ðiện Biên luôn quan tâm chỉ đạo ưu tiên bố trí một phần nguồn ngân sách địa phương để tạo lập nguồn vốn cho hộ nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số vay ưu đãi. Từ nguồn vốn đó, mỗi năm Ðiện Biên có thêm hàng nghìn hộ thoát nghèo, có điều kiện tạo lập sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé kiểm tra việc sử dụng vốn chính sách xã hội tại xã Huổi Lếch.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé kiểm tra việc sử dụng vốn chính sách xã hội tại xã Huổi Lếch.

Đồng chí Phạm Ðức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên cho biết: Nhất quán quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa XI tại Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 là tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên chỉ đạo các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung triển khai hiệu quả các nội dung chỉ thị; kịp thời ban hành chính sách cụ thể phù hợp thực tiễn địa phương để huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội.

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên luôn xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo từng năm dựa trên căn cứ các quy định, chế độ chính sách mới được sửa đổi bổ sung và nguồn lực thực tiễn địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí vốn ngân sách địa phương và tập trung các nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn hợp pháp khác về Ngân hàng Chính sách xã hội.

Với cấp huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thường xuyên báo cáo nguồn vốn ủy thác và coi kết quả tạo lập nguồn vốn cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vay ưu đãi, là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện chức trách của người đứng đầu mỗi địa phương.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện Ðiện Biên thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo của huyện xây dựng phương án dành nguồn, ưu tiên vốn từ chương trình giảm nghèo ủy thác sang hệ thống ngân hàng chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Ðảng, Nhà nước về chính sách tín dụng xã hội; các căn cứ tạo nguồn vốn cho vay ưu đãi, tín dụng xã hội…, từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội trong thực hiện tạo nguồn vay giúp thêm nhiều hộ nghèo, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay ưu đãi.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðiện Biên Ngô Xuân Chinh cho biết: Mặc dù điều kiện của huyện còn rất nhiều khó khăn, song hằng năm huyện đều dành một phần ngân sách huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách. Như ngày 30/6/2024, huyện đã chuyển gần 4,5 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Tương tự, tại Ðiện Biên Ðông - huyện vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn trong tỉnh Ðiện Biên, từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW và chỉ đạo cụ thể về việc tạo nguồn vốn vay cho hộ nghèo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ðảng bộ, chính quyền huyện Ðiện Biên Ðông đặc biệt quan tâm cân đối và bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Do đó, trong hai năm gần đây, vốn ủy thác của Ðiện Biên Ðông đã tăng từ 500 triệu đồng (năm 2023) lên 1 tỷ đồng (năm 2024), trong khi nhiều năm trước, nguồn vốn ủy thác của huyện chỉ dao động từ 20 đến 80 triệu đồng/năm.

Ðồng chí Bùi Ngọc La, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo và trách nhiệm tạo dựng nguồn vốn của địa phương, 10 năm qua, huyện Ðiện Biên Ðông đã chuyển ủy thác hơn 3,1 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nâng số dư nguồn vốn ủy thác lên 3,556 tỷ đồng. Với việc có thêm vốn ủy thác, tăng quy mô tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có nguồn lực thực hiện tín dụng theo 17 chương trình (tăng 6 chương trình so với thời điểm năm 2014); dư nợ tăng trưởng hằng năm bình quân đạt hơn 21,3%.

Là một trong số hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển sản xuất, ông Lường Văn Thành, người dân bản Phăng 2, xã Mường Phăng, thành phố Ðiện Biên Phủ hiểu rất rõ giá trị nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ông Thành cho biết: "Tài sản duy nhất tôi có khi lập gia đình là 3.000 m2 ruộng và 5.000 m2 vườn. Vợ chồng tôi chăm chỉ làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ ăn, còn nếu nắng hạn thì thiếu ăn nhiều tháng. Năm 2014, được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được cán bộ ngân hàng hướng dẫn cách quản lý, sử dụng vốn vay, gia đình tôi đã có thêm một số nguồn thu từ chăn nuôi, trồng cây ăn quả luân phiên trên đất vườn. Ðến năm 2019, khi quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất ruộng để trồng nho, dâu tây theo chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố Ðiện Biên Phủ, gia đình tôi đã được cán bộ tín dụng hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác. Nguồn vốn đến với gia đình tôi vô cùng ý nghĩa, giúp chúng tôi chuyên tâm học tập kinh nghiệm sản xuất, yên tâm làm việc trên đồng ruộng chứ không phải canh cánh nỗi lo "xoay tiền" trả công người làm hằng ngày như trước nữa".

Ðồng chí Phạm Ðức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên cho biết: Giai đoạn 2014-2024, Ðiện Biên đã chuyển 99,44 tỷ đồng từ ngân sách địa phương sang hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, nâng tổng số vốn địa phương chuyển ủy thác cho vay tín dụng xã hội, lên 102,162 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn từ cuộc vận động Vì người nghèo, vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn khác ủy thác sang hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội là hơn 1,2 tỷ đồng. Nhờ các nguồn vốn này, 10 năm qua, toàn tỉnh đã có 225 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; gần 21 nghìn lao động và 560 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, đi làm, làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 41 nghìn công trình nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư xây dựng tại các thôn, bản, góp phần nâng cao đời sống người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Ðiện Biên từ 3-4%/năm. Những con số cụ thể này là minh chứng rõ nét, tạo sức lan tỏa cho chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước về chính sách tín dụng đối với người nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ðiện Biên.