Điểm tựa từ mô hình Bồ Công Anh

Tại Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5), có một căn phòng mang tên Bồ Công Anh, là mô hình đầu tiên được thí điểm theo Quyết định số 4275/QĐ-UBND ngày 7/12/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố hướng đến một thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ, trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên phòng Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương tư vấn người cần hỗ trợ.
Nhân viên phòng Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương tư vấn người cần hỗ trợ.

Căn phòng mang tên Bồ Công Anh nằm ở tầng 5 của Bệnh viện Hùng Vương rất yên tĩnh. Đây là nơi hỗ trợ bệnh nhân sau khi được xác định bị bạo hành, xâm hại. Ngồi cùng với họ là các chuyên gia tham vấn tâm lý. Cuộc trò chuyện ghi lại bằng hệ thống camera được thông báo công khai với nạn nhân. Nếu đó là một vụ việc nghiêm trọng, đại diện các cơ quan chức năng sẽ ngồi ở phòng kế bên theo dõi cuộc trò chuyện qua màn hình ti-vi.

Hơn một năm gắn bó với đơn vị Bồ Công Anh, nhân viên phòng Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương Phạm Tuyết Ngân cho biết: Tiếp xúc với nhiều câu chuyện, mảnh đời chị không khỏi xót xa. Trong đó, chị nhớ nhất đến trường hợp em Đ.N.G. (14 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) phải làm mẹ khi đang ở độ tuổi còn quá nhỏ. G. bị xâm hại tình dục mang thai 27 tuần. G. mồ côi cha mẹ, sống với bà nội già yếu và anh trai. Nhờ sự phối hợp tích cực của bệnh viện và Trung tâm Công tác xã hội-Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố (Trung tâm), em G. đã sinh thường một bé gái nặng 2,58 kg vào ngày 17/10/2023.

Theo nguyện vọng, G. muốn được đưa con về nhà ở với bà nội. Do đó, Trung tâm đã liên hệ với địa phương để theo dõi tiếp tình hình sau này của bé. Đây là trường hợp hiếm hoi giúp đỡ 100% cho nạn nhân từ khi đơn vị Bồ Công Anh được thành lập đến nay.

Tiếp xúc với hàng chục trường hợp trẻ em gái bị xâm hại dẫn đến có thai, nhưng điều khiến nữ nhân viên công tác xã hội này trăn trở nhất chính là không thể giúp các em có một cái kết viên mãn. "Thông tin đơn vị nhận được từ các khoa đưa lên khi có trẻ thành niên đến khám hoặc đến sinh, nhưng khi nhân viên chúng tôi đến tìm hiểu, phần lớn đều bị gia đình nạn nhân phản ứng, không cho tiếp cận", chị Ngân chia sẻ khó khăn. Có nhiều lý do để người nhà nạn nhân không hợp tác. Đó là sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình; không muốn gây áp lực tâm lý cho trẻ…

Trưởng phòng Công tác xã hội, Phó trưởng đơn vị Bồ Công Anh Bệnh viện Hùng Vương, Bác sĩ CKII Phạm Quốc Hùng cho biết: Các bệnh nhân ở thành phố có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại sau khi được tiếp nhận, điều trị, chăm sóc y tế sẽ được kết nối với phòng Công tác xã hội và chuyển đến phòng Bồ Công Anh. Bệnh nhân tại đây được các chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý. Toàn bộ quy trình sẽ được bảo mật theo nhu cầu. Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên công tác xã hội của bệnh viện sẽ chuyển gửi nạn nhân đến Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu. Thời gian qua, có 30 trường hợp được tiếp nhận, cung cấp dịch vụ tại đơn vị. Theo bác sĩ Hùng, các trường hợp trẻ bị xâm hại mang thai, phần lớn các em sinh sống trong gia đình không phải là mái ấm, thiếu sự quan tâm và giáo dục.

Bác sĩ Hùng cũng cho biết: Khó khăn hiện nay tại đơn vị là thiếu nhân sự để hỗ trợ nạn nhân; quy định về khung pháp lý; chế độ, chính sách, tài chính…

Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Dũng, chín tháng đầu năm 2023 đường dây tư vấn 1900545559 đã tiếp nhận 179 ca, gồm 201 trẻ cần hỗ trợ (trong đó có 32 ca tư vấn tâm lý, tư vấn học đường; 23 ca tư vấn pháp luật; 19 ca bị xâm hại tình dục/nghi bị xâm hại tình dục; 71 ca bị bạo hành…).

Để tháo gỡ một số vướng mắc trong phối hợp can thiệp, hỗ trợ cho nạn nhân, Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Bá Hoàng hướng dẫn: Vận dụng các quy định về hỗ trợ khẩn cấp cho nhóm người yếu thế, hướng dẫn thủ tục làm giấy chứng sinh cho trẻ bị bỏ rơi hoặc người mẹ là trẻ lang thang mồ côi, không đủ giấy tờ tùy thân…

Là một trong những người tham mưu để thành lập mô hình, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Trần Thị Ngọc Nữ cho biết: Trước đây trẻ em bị bạo hành hoặc xâm hại, phải đi nhiều nơi để cầu cứu, lấy lời khai, làm giám định, quy trình kéo dài gây mệt mỏi cho trẻ. Trường hợp cần lưu giữ chứng cứ xâm hại ngay, nhưng đi lòng vòng, thời gian kéo dài dễ khiến chứng cứ bị mờ nhạt dần. Hơn nữa, nếu sự việc trôi qua lâu, trẻ em ngại nói gây khó cho việc lấy lời khai. Vì thế, mô hình một cửa sẽ hỗ trợ nạn nhân một cách nhanh chóng, quy trình khép kín, bảo vệ danh tính nạn nhân.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ: Đây là bệnh viện sản phụ khoa cho nên đội ngũ y, bác sĩ tại đây thường xuyên tiếp xúc với những phụ nữ bị bạo hành, trẻ vị thành niên bị xâm hại. Bệnh viện đã xử lý các trường hợp này, nhưng để giúp nạn nhân thoát khỏi vòng bạo hành và có cuộc sống bình thường, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều ban, ngành, lĩnh vực. Đó là lý do "Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố" ra mắt, với mong muốn giúp đỡ nhiều nạn nhân bị bạo hành…