Điểm sáng về phòng, chống bạo lực giới ở Yên Bái

NDO -

Công tác phòng, chống bạo lực giới vốn là vấn đề nan giải tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các huyện nghèo. Tuy nhiên, thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân, tình trạng bạo lực giới ở Yên Bái đã từng bước bị đẩy lùi một cách rõ rệt.

0:00 / 0:00
0:00
Buổi truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình tại xã Minh An (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
Buổi truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình tại xã Minh An (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).

Một ngày tháng 6 oi ả, về hai xã Minh An và Bình Thuận của huyện miền núi Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nơi từng được đánh giá là điểm nóng bạo lực giới đối với phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi đáng kể tại đây. Không chỉ nhận thức của người dân về vấn đề bạo lực giới đã được nâng cao, mà cách vào cuộc, xử lý của các cấp chính quyền địa phương đã cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ.

Thay đổi trong mỗi gia đình

Xã Minh An là nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 67% và tỷ lệ hộ nghèo trên ngưỡng 36%. Với nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, xã Minh An luôn nằm trong top địa bàn khó khăn của huyện Văn Chấn. Đáng lo ngại hơn cả, theo báo cáo của chính quyền địa phương, từ tháng 10/2019 đến tháng 6 năm nay, tại xã đã xảy ra tới hơn 150 vụ bạo lực giới. 
Là một nạn nhân của bạo lực giới, chị T. (tên nạn nhân đã được thay đổi) chưa lúc nào hết ám ảnh với những gì chồng đã làm với chị. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, công ăn việc làm không ổn định, phụ thuộc phần lớn vào việc làm nương, cho nên gia đình gần như không có tài sản gì. Chồng chị thường xuyên rượu chè, trút giận lên chị và các con bằng những trận đòn roi vô cớ.

Sau loạt chương trình truyền thông do Dự án phòng, chống bạo lực giới của Tổ chức Hagar International tại Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái triển khai, chị T. dần tiếp cận với những buổi sinh hoạt do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức. Sau đó, trong 1 lần chồng đánh chị và các con, chị T. đã mạnh dạn gọi điện cho Tổ phản ứng nhanh về bạo lực giới để trình báo vụ việc.

Ngay lập tức, các thành viên của Tổ phản ứng nhanh đã có mặt để bảo vệ nạn nhân. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền xã, người chồng đã phải trình diện, viết cam kết. Hai vợ chồng cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ, tiếp cận các nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo và được hỗ trợ nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế.

Tích cực tham gia hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới trên địa bàn xã Minh An, chị Lò Thị Phấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh An đã bao đêm mất ngủ để bảo vệ các nạn nhân và nghĩ cách giúp người dân phát triển sinh kế, thoát nghèo. Không ít lần, chị cùng người bị bạo hành nơm nớp lo sợ bị tấn công, trắng đêm không ngủ. Sáng hôm sau, chị lại đưa người bị hại đến gặp Tổ phản ứng nhanh để xử lý vụ việc. 

“Tôi thường xuyên tham mưu, xin ý kiến của đảng ủy, chính quyền xã để tìm phương án hỗ trợ và phát triển sinh kế cho các hộ gia đình. Nghèo đói là nguyên nhân chủ yếu khiến bạo lực xảy ra nhiều hơn. Tôi rất thương chị em và đặc biệt là các chị em đang là nạn nhân của bạo lực”, chị Lò Thị Phấn nghẹn ngào nói.

Chuyển biến ở cơ sở

Đồng chí Triệu Đức Quý, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Minh An cho biết, trước đây, việc phân biệt, nhận thức về bạo lực với tranh cãi giữa vợ chồng dẫn tới mâu thuẫn hay việc giáo dục con cái bằng roi, gậy… gây rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, với tính chất, đặc thù về đời sống và hủ tục lạc hậu, chính quyền địa phương dù quan tâm nhưng rất khó xử lý. 

Tuy nhiên, kể từ khi có sự hỗ trợ từ Dự án phòng, chống bạo lực giới của Tổ chức Haga International và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái, chính quyền địa phương đã thành lập Tổ phản ứng nhanh về bạo lực giới để nắm bắt tình hình kịp thời, xử lý hiệu quả trong trường hợp có vụ việc bạo lực phát sinh. 

Tổ phản ứng nhanh có thành viên là lãnh đạo chủ chốt, đại diện công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã… với quy trình: Nắm thông tin - Báo cáo xin ý kiến lãnh đạo (tổ trưởng) - Cử người đến xử lý nhanh tình huống trên cơ sở kinh nghiệm và chuyên môn được tập huấn - Hội ý tổ và đưa ra biện pháp xử lý tùy thực tế.

Trước đây, nạn nhân của bạo lực giới thường không dám lên tiếng tự bảo vệ bản thân, nhưng nay đã tìm đến Tổ phản ứng nhanh nhờ can thiệp. Tương tự, hàng xóm nạn nhân thay vì nghĩ là chuyện riêng của mỗi gia đình, nay đã chú ý nắm bắt, báo với đường dây nóng. “Nhận thức của người dân đã có sự thay đổi lớn nhờ hiệu quả từ hoạt động truyền thông”, đồng chí Triệu Đức Quý khẳng định.

Tương tự, đồng chí Hoàng Văn Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Thuận, cho hay: “Chúng tôi đã họp và thống nhất tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ phản ứng nhanh sau khi dự án tài trợ của Haga International kết thúc, nhằm giữ vững những thành quả đạt được cũng như sẵn sàng xử lý các vụ việc phát sinh nếu có trong tương lai”.

Theo đó, các Tổ phản ứng nhanh tại xã Bình Thuận hiện duy trì sinh hoạt ít nhất 1 lần mỗi quý so với 1 lần mỗi tháng như trước đây. Ủy ban nhân dân xã Bình thuận sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan, phát huy mạnh mẽ vai trò của Tổ phản ứng nhanh để cùng người dân xây dựng xã hội hạnh phúc.

Điểm sáng về phòng, chống bạo lực giới ở Yên Bái -0
Đồng chí Hoàng Văn Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái báo cáo công tác phòng, chống bạo lực giới trên địa bàn.

Ông Lê Xuân Đồng, Điều phối viên Dự án của Tổ chức Hagar International tại Việt Nam dẫn thống kê cho biết, trong gần 3 năm thực hiện Dự án, chính quyền hai xã Minh An và Bình Thuận đã ban hành 6 quyết định liên quan đến phòng, chống bạo lực giới; 80% cán bộ, chính quyền huyện, xã tham gia vào hoạt động nâng cao năng lực và hỗ trợ người bị bạo lực; 30 cán bộ trong Tổ phản ứng nhanh đã thực hiện gần 1 nghìn lần đến thăm các gia đình, hỗ trợ hơn 200 nạn nhân bạo lực và có nguy cơ bị bạo lực giới. 

Phát triển kinh tế để kéo giảm bạo lực giới

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đưa 1 chỉ tiêu quan trọng vào Nghị quyết, đó là “chỉ số hạnh phúc”, đánh dấu việc Yên Bái trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước đưa chỉ số hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết, thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh đối với đời sống người dân bên cạnh những chỉ tiêu về kinh tế, xã hội. 

Với sự vào cuộc quyết liệt đó, công tác phòng, chống bạo lực giới nay được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo xử lý kịp thời. Hơn thế nữa, chính quyền 2 xã Minh An, Bình Thuận của huyện Văn Chấn còn tập trung vào việc bố trí sinh kế, phát triển kinh tế-xã hội tại địa bàn như 1 “chìa khóa” cho việc kéo giảm bạo lực giới.

Theo lãnh đạo xã Bình Thuận, 90% bạo lực xảy ra ở những gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn và xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân kinh tế. Chính quyền địa phương đã phối hợp các đơn vị liên quan, trong đó có Tổ chức Hagar International tại Việt Nam xây dựng sáng kiến phát triển sinh kế với trọng tâm là những gia đình khó khăn, thường xuyên xảy ra bạo lực. 
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 17 sáng kiến từ các nạn nhân bạo lực giới  được phê duyệt thực hiện với tổng kinh phí hơn 361 triệu đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ là khoảng 308 triệu đồng, vốn đối ứng của 17 gia đình là hơn 53 triệu đồng. Kinh phí chủ yếu được cấp để các hộ gia đình chăn nuôi trâu bò sinh sản và lợn thịt. 

Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã vận động nguồn lực, sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị trong nước, quốc tế hỗ trợ nhu yếu phẩm, trang thiết bị phòng, chống dịch cho nhân dân. 

Điểm sáng về phòng, chống bạo lực giới ở Yên Bái -0
Người dân phấn khởi, tích cực phát triển kinh tế bên những con bò giống hỗ trợ của Haga International.

Theo lãnh đạo hai xã Minh An và Bình Thuận, mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn, việc bố trí các nguồn lực rất hạn chế, nhưng nhận thấy đây là một vấn đề quan trọng, gắn chặt với việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương và đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIX của tỉnh Yên Bái, cho nên xã sẽ tích cực kêu gọi sự đồng lòng của nhân dân, các tổ chức liên quan, tranh thủ các ưu đãi về chính sách để phát triển sinh kế, giúp bà con thoát nghèo, phát triển đời sống. 

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến. Một trong những nội dung chính của Dự án Luật chính là cụ thể hóa các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, trở thành tiền đề cho phòng, chống bạo lực giới.

Công tác phòng, chống bạo lực giới vẫn là vấn đề nan giải tại các địa phương trên cả nước, trong đó có nhiều địa phương nghèo, thuộc diện 135 của Chính phủ. Điều quan trọng nhất để đẩy lùi vấn nạn này chính là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân. 

Hagar International, được thành lập vào năm 1994, là một tổ chức chăm sóc chuyên sâu về Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về Sang chấn tâm lý, hoạt động chủ yếu với phụ nữ và trẻ em bị sang chấn do buôn bán người, nô lệ và lạm dụng. Hagar International tại Việt Nam (Hagar Việt Nam) được thành lập vào năm 2009 nhằm đáp ứng với sự gia tăng của nạn mua bán người và bóc lột ở Việt Nam, cũng như nhu cầu cần hỗ trợ của những người sống sót. Ngày nay, Hagar triển khai các chương trình ở Afghanistan, Campuchia, Singapore và Việt Nam; và thông qua các đối tác ở Myanmar và Quần đảo Solomon.