Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi):

Điểm mới trong quy định về tự chủ bệnh viện

NDO -

Theo Bộ Y tế, một trong những điểm mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bệnh viện Nhà nước được tự chủ trong quyết định nội dung thu chi, mức thu dịch vụ y tế

Theo Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Trong đó, Luật khẳng định "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao" đồng thời cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được: Tự chủ trong quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

Bệnh viện được tự chủ trong quyết định nội dung chi, đặc biệt là trong quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Riêng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Y tế quy định.

Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được: Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.

Trong đó: Bộ Y tế quy định phương pháp định giá và giá cụ thể cho người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành;

Hội đồng nhân dân quy định giá cho người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được quyền tự quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân tự quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Các quy định về tài chính như đã nêu trên nhằm mục tiêu tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh đề cập tới việc cấp giấy phép hành nghề định kỳ cấp lại 5 năm 1 lần là đã thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Chính phủ về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Việc cấp lại giấy chứng nhận hành nghề 5 năm 1 lần hoàn toàn đúng đắn. Điều này sẽ đặt ra yêu cầu cán bộ y tế phải luôn luôn cập nhật kiến thức của mình để phục vụ người bệnh tốt nhất.

Đồng thời, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng đã tiệm cận với xu thế phát triển chung của thế giới trong việc cấp giấy chứng nhận hành nghề.

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Chính sách thu hút nhân lực cho một số chuyên khoa

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực tại một số chuyên khoa, tại Điều 105 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.

Theo đó, nếu sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước sẽ được hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.

Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tương ứng với mức quy định tại điểm a khoản này nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại phiên họp toàn thể kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào chiều 9/1 với 386/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định: Với 12 chương, 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra.

Để bảo đảm Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường tính khả thi, đặc biệt là nội dung mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cán bộ y tế và cơ quan, tổ chức liên quan hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật. Đồng thời, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật.