Quản lý chặt việc xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
Cử tri kỳ vọng khi dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề căn cơ, trong đó, tập trung chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ thiết yếu đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, cử tri vẫn còn nhiều băn khoăn về nội dung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Thực tế cho thấy, chủ trương xã hội hóa đã góp phần giúp ngành y tế nước ta tiến kịp sự phát triển của y tế trong khu vực. Nhưng hiện nay hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế cấp huyện, xã... rất khó kêu gọi xã hội hóa. Nếu không bổ sung các hình thức mua trả chậm, trả dần, thuê, mượn thiết bị y tế vào các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung việc khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ khó có thể kiểm soát được một cách cụ thể, sâu sát.
Như bài học về đại dịch Covid-19 vẫn còn đó khi nhiều vấn đề liên quan đến việc thuê, mượn trang thiết bị y tế... vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, vướng vào các vụ án đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh hiện nay. Vì vậy, cần công khai, minh bạch và quản lý chặt việc xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhằm thực thi hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
LÊ THỊ HẠNH
(Phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Ðà Nẵng)
Hạ tầng giao thông phải thật sự đi trước một bước
Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ trình bày, tôi tâm đắc nhất là việc xác định tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực. Ðối với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, chọn vùng lõi bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu thành động lực đặc biệt cho sự phát triển.
Những năm qua hạ tầng giao thông chưa được đầu tư tương xứng trở thành điểm nghẽn lớn nhất cản trở sự phát triển của từng địa phương và toàn vùng. Việc sớm hình thành kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là đầu tư các tuyến cao tốc đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững không chỉ cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía nam mà còn cả nước. Ðiều rất mừng là hiện nay, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã và đang được đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, như: Sân bay quốc tế Long Thành, tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên, Vành đai 3, các tuyến đường bộ cao tốc.
Các công trình này chắc chắn sẽ góp phần giải quyết nút thắt cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời tạo động lực quan trọng để toàn vùng bứt phá trong thời gian tới. Tôi nghĩ trong quy hoạch cần có tầm nhìn xa hơn, chú trọng đầu tư để kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông phải thật sự đi trước một bước, không để tình trạng quy hoạch rời rạc, chắp vá như ở một số địa phương thời gian qua.
Trần Sơn
(Khu phố 4C, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai)
Tạo cơ chế để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện công lập đang trong tình trạng quá tải, trong khi đó, hệ thống bệnh viện tư lại chưa phù hợp với số đông người dân do giá dịch vụ cao, chênh lệch lớn so với chi phí khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế. Thời gian vừa qua, Chính phủ cho thí điểm cơ chế tự chủ một số bệnh viện. Việc tự chủ nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường vốn, mở rộng đầu tư cơ sở vật chất. Song, một số bệnh viện hiện đã xin dừng tự chủ do những khó khăn, bất cập...
Tôi cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khám, chữa bệnh là hết sức cần thiết. Trong đó, cần tạo hành lang pháp lý cho tự chủ của các bệnh viện, nhất là cơ chế tài chính để thu hút đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải có biện pháp ngăn chặn nguy cơ “thương mại hóa” hệ thống y tế công lập khi triển khai tự chủ, dẫn đến tăng gánh nặng chi phí cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc tăng cường xã hội hóa hoạt động khám, chữa bệnh là cần thiết, do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, phải thiết lập cơ chế mua trả chậm, trả dần, thuê, mượn thiết bị y tế sao cho chặt chẽ, để tránh lặp lại những sai phạm đã xảy ra trong xã hội hóa thời gian qua.
Lại Minh Ngọc
(Phố Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Không làm tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Tôi quan tâm nhất trong dự luật là vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh, viện phí. Theo tôi, các cơ quan liên quan đã có những tiếp thu và điều chỉnh dự luật theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, đối với thẩm quyền của Bộ Y tế, nên định giá dịch vụ khám, chữa bệnh và bổ sung quy định giá tối đa dịch vụ; đồng thời, cũng nên quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và chi trả của người dân. Ðối với giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, phải tôn trọng nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ, không làm tăng chi phí cho người dân và bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho phù hợp, thống nhất với quy định của dự thảo Luật Giá.
NGUYỄN XUÂN NHẬT
(Phường 15, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh)
Quy hoạch phải gắn với không gian phát triển
Sau khi theo dõi phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV và nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tôi hoàn toàn nhất trí với những nội dung mà Bộ trưởng đã trình và xin đóng góp ý kiến như sau: Quy hoạch tổng thể quốc gia là rất cần thiết, tuy nhiên phải lưu ý đến không gian phát triển theo địa giới hành chính của vùng, miền và khu vực và tránh dàn trải.
Theo tôi, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Cùng với đó, quy hoạch hệ thống đô thị phải gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn, gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển, khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời.
Ði cùng với quy hoạch là các cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Ðặng Trung Việt
(Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh)