Dịch giả Nguyễn Văn Hoàn

Dịch Thần khúc của Dante: “Liều một cách nghiêm túc”

30 năm với tình yêu Thần khúc

GS.Nguyễn Văn Hoàn kể: Ông bắt đầu dịch Thần khúc của Dante từ năm 1980. Khi đó ông là giảng viên, phụ trách giáo trình Văn học Italia tại Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Việc dịch kiệt tác của Dante sang tiếng Việt bắt đầu từ nhu cầu của công việc giảng dạy: để đưa ra những dẫn chứng cần trích dẫn cho sinh viên, ông dịch từng đoạn của Thần khúc, sau đó tiến lên một bước: dịch từng chương quan trọng. Và cuối cùng, ông mạnh dạn đặt ra kế hoạch dài hơi dịch lại toàn bộ tác phẩm từ nguyên bản tiếng Italia sang tiếng Việt.

“Thần khúc” là tác phẩm vĩ đại nhất của nhà thơ kiệt xuất nhất Italia Dante Alighieri. Tác phẩm được đánh giá là bộ Bách khoa toàn thư về đời sống, một bảo tàng về vẻ đẹp của văn hoá và ngôn ngữ Italia, cũng là đại diện vĩ đại nhất của văn học trung cổ thế giới. GS. NguyễnVăn Hoàn cho biết, theo điều tra khảo sát từ khoảng 150 cơ sở nghiên cứu, đào tạo nổi tiếng và lâu đời nhất trên thế giới, thì Dante và “Thần khúc” vẫn là tác giả, tác phẩm được nghiên cứu nhiều nhất trong nền văn hóa, khoa học và lịch sử Italia.

Trong suốt 30 năm qua, ông vừa làm công tác nghiên cứu, giảng dạy văn học cổ tại trường Đại học, vừa dịch Thần khúc. “Nếu cộng toàn bộ thời gian tôi dành cho việc dịch và chú giải tác phẩm này, có thể ước tính khoảng năm năm” - GS nói.

Đến cuối năm 1999, ông đã sơ bộ hoàn thành bản thảo, gồm 100 khổ thơ với 14.226 câu thơ dịch từ nguyên tác tiếng Italia sang tiếng Việt, cả ba phần “Địa ngục”, “Tĩnh ngục” và “Thiên đường”. Tiếp sau đó là bước sửa chữa, gọt giũa mà ông có cảm tưởng rằng “sẽ không bao giờ kết thúc”. Và đến năm 2005, bản dịch Thần khúc phần thứ nhất “Địa ngục” đã ra mắt bạn đọc Việt Nam do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành.

Từ đó đến nay, ông lại mất thêm 4 năm nữa để tiếp tục sữa chữa và bổ sung cho hai phần còn lại, cho đến tháng 9-2009, bản dịch toàn bộ ba phần mới được hoàn thiện lần cuối. Và một bản dịch Thần khúc trọn vẹn đầu tiên từ nguyên tác, dày 1047 trang, gồm 100 khúc, ba phần với những chú giải tỉ mỉ và cô đọng đã ra mắt bạn đọc Việt Nam vào cuối tháng 9-2009, ấn bản cũng vẫn do NXB Khoa học Xã hội thực hiện.

Kiệt tác của Dante đã được dịch như thế nào?

Trước bản dịch của GS. Nguyễn Văn Hoàn, Thần khúc đã ra mắt bạn đọc Việt Nam vào năm 1979, với bản dịch chưa đầy đủ (chỉ mới 30 khúc) do GS. Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch từ bản tiếng Pháp. GS. Hoàn cũng cho biết, bản dịch của hai tác giả này là một nguồn tư liệu vô cùng quý đối với ông, ngay cả khi ông còn chưa bắt đầu công việc dịch của mình.

Trong quá trình dịch, GS. Lê Văn Hoàn luôn có trong tay ít nhất ba bản “Thần khúc” nguyên tác tiếng Italia. Trong đó, đáng chú ý nhất là bản Thần khúc theo văn bản cổ, 4 tập, NXB Lettere in lần thứ hai năm 1994. Đây là công trình tra cứu rất công phu của GS. Giorgio Petrocchi, Trường đại học Torino, công trình thuộc Tùng thư ấn phẩm quốc gia Italia, công bố năm 1965, dựa trên bản chép tay cổ có từ trước năm 1355.

GS cho biết, mặc dù rất tự tin vào vốn liếng ngôn ngữ Italia của mình, nhưng để dịch được “Thần khúc” ông phải tra cứu bằng tiếng Pháp rất nhiều.

“Có thể nói GS. Nguyễn Văn Hoàn đã dịch “Thần khúc” của Dante Alighieri bằng cả đời mình, với toàn bộ sự tiếp cận từ một nền văn hóa bằng ngôn ngữ nguyên bản, bằng đam mê, sự hiểu biết và những đúc kết của cả một quá trình nghiên cứu, giảng dạy tác phẩm trong nhà trường.

Dịch giả Thúy Toàn

“Đối với Dante, không có gì là e sợ. Dante có thể viết ra những điều mà con người không thể nào tưởng tượng nổi, không ngôn ngữ nào diễn đạt nổi. Đọc nguyên tác, sẽ thấy luôn ngạc nhiên vì những hình ảnh, ngôn từ kỳ quái, lạ lùng, những tội ác thấp hèn, những tình huống kỳ dị mà ngay cả tưởng tượng cũng không hình dung nổi. Phần “Địa ngục” đã là ghê gớm, nhưng ở đó còn có thể là phản chiếu của đời sống. Còn ở hai phần còn lại, Tĩnh ngục và Thiên đường, chủ yếu là tưởng tượng (và có phần bịa đặt) của bộ óc vĩ đại Dante, ngay cả cá dịch giả Pháp cũng cho rằng, dịch từ tiếng Italia sang tiếng Pháp trong một vần điệu thơ ca là vô cùng khó khăn. Mà tiếng Pháp, văn hoá Pháp vốn gần gũi với Italia, còn tiếng Việt, văn hóa Việt thì khác xa rất nhiều”. GS nói.

Bản dịch, vì vậy, cần rất nhiều chú giải, mà theo GS. Hoàn, ông vẫn phải dựa vào phần lớn những nghiên cứu, chú giải của các bậc tiền nhân, các nhà nghiên cứu bằng tiếng Italia và tiếng Pháp. Tuy vậy, bên cạnh đó, ông cũng đưa ra những giải thích từ những đúc kết của mình qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu.

Trước khi bắt tay vào dịch, với mong muốn “bổ khuyết cho sự yếu kém của mình về mặt thơ ca”, GS Hoàn đã đến gặp nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng để nhờ giúp đỡ. Nhưng khi đó, nhà thơ đã 80 tuổi và không thể giúp được gì. GS. Hoàn cũng lặn lội đến tìm gặp một vài nhà thơ trẻ chuyên dịch thơ phương Tây khác theo lời giới thiệu của nhà thơ Khương Hữu Dụng, nhưng cuối cùng, không ai có thể bắt tay cùng ông cả.

Cho đến khi tác phẩm hoàn thành, GS vẫn không cho rằng mình đã dịch kiệt tác của Dante thành thơ trong ngôn ngữ Việt. “Tôi chỉ cố để bạn đọc Việt Nam có cơ hội tiếp cận một tác phẩm lớn của thế giới bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trước hết, tôi chỉ mong người Việt đọc được, hiểu được và cảm nhận được phần nào đó cái tinh thần của nguyên tác”. Và ông vẫn “kết luận” rằng, ông không dịch thành thơ, và không thể nào theo vần luật của Dante. Cho đến bây giờ, cuốn sách đã hiện rõ hình hài, là bản dịch Thần khúc đầu tiên trọn vẹn từ nguyên tác, nhưng GS. Hoàn vẫn cho rằng, ông vừa trải qua một cuộc phiêu lưu.

GS. Nguyễn Văn Hoàn sinh năm 1931 tại Nghệ An. Từ năm 1959 - 1999 ông giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Sư phạm Hà Nội và Viện Văn học Việt Nam. Ông tốt nghiệp tiếng Italia và văn học Italia tại Đại học dành cho người nước ngoài Perugia và đại học Roma, Italia vào năm 1978-1979. Trước Thần khúc, ông từng dịch Tuyển tập Ca dao Việt Nam sang tiếng Italia. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Italia.

HỒNG MINH