Dịch tả trên toàn cầu đang ở mức cảnh báo cao nhất

Theo báo cáo từ các cơ quan của Liên hợp quốc, năm 2023, số ca mắc bệnh tả đã tăng vọt trên toàn cầu, với hơn 667.000 ca mắc và hơn 4.000 ca tử vong. Các quốc gia khu vực Nam Phi và Đông Phi nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm khoảng 75% số ca tử vong và 1/3 số ca nhiễm trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) duy trì mức cảnh báo tình trạng khẩn cấp cao nhất (cấp độ 3) đối với dịch bệnh nguy hiểm này.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực điều trị cho các trường hợp mắc bệnh tả tại Lilongwe, Malawi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Khu vực điều trị cho các trường hợp mắc bệnh tả tại Lilongwe, Malawi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cuối năm 2023, nhiều cảnh báo đã được các tổ chức nhân đạo quốc tế phát đi về khả năng gia tăng nhanh chóng và nguy hiểm của các mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng do nguồn nước bị ô nhiễm và hậu quả của lũ lụt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước. Các đợt dịch tả bùng phát nguy hiểm nhất được ghi nhận ở Malawi, miền nam châu Phi và Haiti ở Caribe, khi Malawi ghi nhận đợt bùng phát tồi tệ nhất trong lịch với gần 1.800 người thiệt mạng và ở Haiti là hơn 1.100 người chết. Theo các báo cáo của WHO, tại khu vực Đông Phi và lân cận, Cộng hòa dân chủ Congo ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc bệnh tả mỗi tuần, trong khi Zimbabwe, Mozambique, Burundi và Zambia cũng chứng kiến số ca mắc bệnh bùng phát ​​​​và dịch tả lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.

Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Nam Phi Machinda Marongwe nhận định, tỷ lệ ca mắc và tử vong chưa từng có là đáng sợ và áp đảo hoàn toàn hệ thống y tế của nhiều quốc gia, có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng y tế không thể kiểm soát. Ít nhất 30 quốc gia khác trong khu vực cũng báo cáo các trường hợp mắc bệnh kể từ đầu năm 2024. Ông Marongwe nhấn mạnh, các chính phủ và cơ quan trong khu vực cần nguồn tài trợ ngay lập tức để nhanh chóng triển khai các hoạt động và dự án giúp cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch cũng như điều kiện vệ sinh của người dân, hai yếu tố là chìa khóa trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của dịch tả.

Đầu năm 2024, Nam Phi cũng trong tình trạng cảnh giác cao độ trước khả năng có các ca bệnh tả do lây từ nước láng giềng Zimbabwe. Bộ Y tế Nam Phi cho biết đã phối hợp Cơ quan quản lý biên giới để tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các đồn biên phòng ở biên giới với Zimbabwe, nhằm giảm thiểu nguy cơ các ca bệnh tả xâm nhập. Bộ Y tế Nam Phi đưa ra khuyến cáo, tất cả những người có lịch sử du lịch đến các khu vực từng bùng phát dịch tả cần khai báo trung thực, phối hợp với cơ quan y tế địa phương nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp và ngăn ngừa lây truyền ra cộng đồng. Tất cả những cá nhân có các triệu chứng giống bệnh tả (đau bụng, tiêu chảy, mất nước và nôn mửa), dù có hoặc không có tiền sử du lịch đến những quốc gia và khu vực có dịch tả, cũng được khuyến cáo đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.

Cũng ở khu vực miền nam châu Phi, Chính phủ Zambia đã phải thông báo lùi ngày khai giảng năm học mới trên cả nước lại ba tuần do dịch tả bùng phát, khiến 150 người chết kể từ tháng 10/2023, với tỷ lệ tử vong là 3,7%. Bộ trưởng Giáo dục Zambia Douglas Syakalima nhấn mạnh, Chính phủ ưu tiên bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhất là trong các trường học, để tránh những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với trẻ em và ngành giáo dục.

WHO bày tỏ lo ngại trước số ca mắc bệnh tả ngày càng tăng trên khắp thế giới những năm gần đây, trong đó châu Phi đang chịu tác động nặng nề nhất. Trong bối cảnh nhiều khu vực còn thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh đầy đủ, cũng như công tác ứng phó các ca bệnh kém, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi dịch tả lây lan nhanh chóng. Theo Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực Nam Phi và Đông Phi Etleva Kadilli, đầu tư vào việc tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh, thay đổi hành vi xã hội và chất lượng quản lý ca bệnh, là những yếu tố bắt buộc để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của dịch tả và các trường hợp khẩn cấp khác về sức khỏe cộng đồng.

WHO đang đánh giá lại hệ thống ứng phó bệnh tả trên toàn cầu nhằm xác định và thực hiện các điều chỉnh dựa trên hiệu quả thực tế. Với số lượng lớn các đợt bùng phát và sự lây lan nhanh qua biên giới, cùng với tình trạng thiếu vắc-xin và các nguồn lực hỗ trợ, WHO tiếp tục đánh giá rủi ro dịch tả ở cấp độ toàn cầu là rất cao.