Theo Bộ trưởng Y tế Jean Jacques Mbungani, ca nhiễm là một bé trai 3 tuổi ở thành phố Beni, một trong những tâm dịch của đợt bùng phát trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020. Bệnh nhân được xác định đã tử vong vì căn bệnh này hôm thứ tư.
Nhà chức trách đã khoanh vùng được khoảng 100 người có thể đã tiếp xúc với mầm bệnh. Những người này sẽ được theo dõi thêm để xem liệu họ có biểu hiện bất kỳ triệu chứng mắc bệnh nào hay không, ông Mbungani nói thêm.
Hiện vẫn chưa rõ ca nhiễm mới có liên quan đến đợt bùng phát trong giai đoạn 2018-2020 hay không.
Hơn 2.200 người ở miền đông Congo đã thiệt mạng vì Ebola trong giai đoạn trên, đánh dấu số ca tử vong vì Ebola cao thứ hai từng được ghi nhận. Trong khi đó, đợt bùng phát gần nhất trong năm nay cũng đã khiến sáu người thiệt mạng.
Một báo cáo từ phòng thí nghiệm y sinh của Congo cho biết, ba trong số những người hàng xóm của ca nhiễm vừa được phát hiện ở khu dân cư Butsili đông đúc tại Beni cũng có các triệu chứng tương tự như mắc Ebola vào tháng trước và đã tử vong, nhưng không có trường hợp nào được xét nghiệm.
Congo đã ghi nhận 12 đợt bùng phát kể từ khi căn bệnh này được phát hiện tại rừng rậm xích đạo gần sông Ebola vào năm 1976.
Người mắc Ebola có các triệu chứng đặc trưng như nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng. Virus gây bệnh thường lây lan khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể,
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, không có gì bất thường khi các trường hợp mắc lẻ tẻ xuất hiện sau một đợt bùng phát lớn. Virus Ebola có thể tồn tại trong chất dịch cơ thể của người mắc bệnh nhiều tháng kể cả sau khi họ đã hồi phục.
Với kinh nghiệm có được trong các đợt dịch trước đây, ông Mbungani bày tỏ tin tưởng rằng lực lượng y tế địa phương sẽ sớm kiểm soát được đợt bùng phát này.
Bệnh do virus Ebola gây ra có tỷ lệ tử vong khoảng 50%. Kể từ đợt bùng phát kỷ lục trong giai đoạn năm 2014 đến 2016 ở Tây Phi, những cải thiện trong các phương pháp điều trị đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong khi các ca bệnh được phát hiện sớm.
Hai loại vaccine ngừa Ebola được đánh giá là có hiệu quả cao do hai hãng dược Merck và Johnson & Johnson sản xuất cũng đã được sử dụng để ngăn chặn dịch bùng phát kể từ đó.
Tuy nhiên, đợt bùng phát 2018-2020 lại chứng kiến số ca tử vong cao. Nguyên nhân là bởi người dân địa phương không tin tưởng vào các nhân viên y tế, cũng như xung đột giữa các nhóm vũ trang ở miền đông Congo đã làm cản trở công tác điều trị cũng như phòng, chống dịch bệnh.