Dịch cúm A bùng phát bất thường so với mọi năm

NDO -

Khởi phát sốt cao, diễn biến trở nặng nhanh, nhiều trường hợp mắc cúm A bị tổn thương phổi, suy hô hấp. Ghi nhận tại một số cơ sở y tế, số ca nhiễm cúm A tăng cao bất thường trong thời gian gần đây. 

0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân mắc cúm A nằm điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Bệnh nhân mắc cúm A nằm điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tăng đột biến ca nhiễm cúm A

Nguy cơ dịch chồng dịch có thể diễn ra tại miền bắc khi gần đây, vừa ghi nhận tăng số ca nhiễm Covid-19, ca mắc sốt xuất huyết và sự gia tăng bất thường của ca nhiễm cúm A.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, phụ trách công tác chống dịch của Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, những ngày gần đây, tại Bệnh viện Thanh Nhàn ghi nhận có sự gia tăng bệnh nhân mắc cúm A đến khám, điều trị. 

"Có những ngày, chúng tôi tiếp nhận khoảng hơn 10 bệnh nhân mắc cúm A vào viện. Trước đó chỉ ghi nhận lác đác một vài ca", bác sĩ Hường cho hay. 

Mệt mỏi và vẫn thở dốc, chị N.B.H (Hoàng Mai, Hà Nội) không thể quên được cơn sốt hành hạ mình 2 ngày trước liên tục ở mức cao 40 độ C. Chị gần như không còn sức, chỉ nằm yên một chỗ, thuốc hạ sốt cũng không có tác dụng cắt sốt. 

Nghĩ mình bị tái nhiễm Covid-19 nên chị được gia đình cho thử bằng que test nhưng kết quả âm tính. Lúc này cơ thể chị quá mệt mỏi, đau buốt khắp người, nhức xương, đầu đau không chịu đựng được nên người nhà nhanh chóng vào bệnh viện.

"Khi các bác sĩ làm xét nghiệm thì phát hiện tôi mắc cúm A, tôi không biết cúm A lại diễn biến nặng như thế, nặng hơn khi tôi mắc Covid-19 rất nhiều”, chị H. mệt mỏi cho hay. 

Chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ, chị H. từ một người khỏe mạnh phải nhập viện cấp cứu vì sốt cao. Trước đó, chị có đi chơi cùng gia đình người bạn và đoàn cũng đã có 4 người bị sốt, được chẩn đoán mắc cúm A. 

Dịch cúm A bùng phát bất thường so với mọi năm -0
 Bà N.T.T (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) đã giảm triệu chứng sốt sau 5 ngày điều trị cúm A. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Sốt cao và trở nặng nhanh vào đêm là triệu chứng mắc cúm A của bà N.T.T (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội). 5 ngày trước, bà có biểu hiện mệt mỏi và nhanh chóng rơi vào tình trạng sốt cao, đau đầu, đau buốt khắp người, chân tay không làm chủ được, nên gia đình đưa đi viện ngay trong đêm. Nhờ điều trị kịp thời, đến nay bà đã cắt sốt, cơ thể chỉ còn mệt mỏi, đau đầu. 

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những ngày gần đây, Khoa Nhi tiếp nhận nhiều trường hợp đến thăm khám có dấu hiệu của bệnh cúm A. Theo các chuyên gia đây là điều “bất thường”, bởi loại cúm này thường xuất hiện rầm rộ vào mùa đông xuân.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, mùa hè không phải là thời điểm dịch cúm mùa bùng phát do vậy ban đầu các bác sĩ không nghĩ đến căn bệnh này. Tuy nhiên trong quá trình thăm khám thấy bệnh nhân có những biểu hiện rầm rộ và điển hình của bệnh cúm, các bác sĩ đã tiến hành thêm xét nghiệm khẳng định và đã phát hiện nhiều trẻ mắc cúm A.

"Trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì có đến 1/4-1/5 số bệnh nhân bị cúm A”, bác sĩ Thúy cho hay.

Lý giải tại sao bệnh cúm A xuất hiện “đột biến” thời gian gần đây, bác sĩ Thúy cho biết hiện nay thời tiết biến đổi bất thường có những nguyên nhân chưa lý giải hết được. "Chúng tôi ghi nhận số ca bệnh cúm tăng lên bất thường so với cùng thời điểm hằng năm chứ về tổng quan chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận", bác sĩ Thúy nói. 

Dịch cúm A bùng phát bất thường so với mọi năm -0
 1/4-1/5 số bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mắc cúm A.

Tăng cường sức khỏe trước nguy cơ dịch chồng dịch

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, thông thường là bệnh nhân cúm A được đưa đến viện trong tình trạng sốt rất cao, bệnh nhân mệt mỏi và có biểu hiện giống như hội chứng cúm thông thường.

Nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã ít nhiều có tổn thương phổi, có tình trạng của viêm phổi do cúm A. Cũng có những trường hợp bệnh nhân đã diễn biến sang suy hô hấp. 

Do được can thiệp điều trị kịp thời, các bệnh nhân đều có cải thiện tốt, hiện tại thì chưa ghi nhận các biến chứng rủi ro sau quá trình điều trị cúm A. Nếu điều trị đúng cách và cải thiện tốt, thường sau 5-7 ngày, bệnh nhân có thể ra viện nếu như không có bội nhiễm.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày; nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Ở người mắc cúm A hay gặp nhất là tình trạng viêm phổi; đặc biệt bệnh nhân có thể viêm phổi dạng tiến triển nhanh, có thể suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Đối với trẻ em, bác sĩ Đặng Thị Thúy cảnh báo, triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, trẻ đều có thể có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng… Do vậy, khi trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ thường rất khó phân biệt được có phải trẻ mắc cúm A hay không.

Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

DAT_4699-1657158843464.JPG
 Các bệnh nhân cúm A đều có dấu hiệu sốt cao,mệt mỏi. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Vì vậy, bác sĩ cũng khuyến cáo, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19. Để phòng bệnh, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người ở các hội họp đám đông; nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Đồng thời người dân nên tiêm vaccine cúm mùa để dự phòng hiệu quả nhất.