Vụ trồng bí xanh thơm năm 2022, chị Mã Thị Đới, xã Yến Dương bị thiệt hại hơn 50 triệu đồng vì dịch bệnh. Chị Đới cho biết, thông thường mỗi vụ chị trồng khoảng 5.000m2 cây bí xanh thơm. Nếu được mùa, được giá, mỗi vụ có thể thu về khoảng 140 triệu đồng. Tuy nhiên, năm ngoái, khi cây bắt đầu có quả thì bị chết hàng loạt khiến cho thu nhập giảm xuống chỉ còn 80 triệu đồng.
Vụ 2023, gia đình chị trồng 4.000m2, nhưng cây đang phát triển thì bắt đầu xuất hiện dịch bệnh gây hại. Cây đang trong giai đoạn phát triển, cao khoảng 1m bắt đầu leo giàn thì thân cây bị đen rồi héo chết, lúc đầu chỉ có một vài cây chết, sau lan dần ra khắp vườn. Gia đình cũng đã phun nhiều loại thuốc nhưng chưa có hiệu quả.
Dịch bệnh làm cây bí bị thối gốc rồi chết. (Ảnh: Ngọc Tú) |
Dịch bệnh bắt đầu từ vụ năm ngoái, nhiều diện tích cây bí xanh khi ra quả thì bị thối thân, héo dây và chết, không cho thu hoạch. Năm nay, cây lại bị chết hoặc bị bệnh xoăn lá, không phát triển được ngay khi mới trồng được một đến hai tuần. Thực trạng này đang khiến cho các hộ trồng bí rất lo lắng, nhất là khi diện tích bị nhiễm bệnh ngày càng tăng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Bể, vụ sản xuất năm 2022, toàn huyện có 5ha bí xanh thơm bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, năm nay vẫn tiếp tục xảy ra. Hiện tượng cây bí xanh thơm chết rải rác ở hầu khắp các vườn, dù có thuốc đặc trị nhưng việc xử lý triệt để rất khó khăn.
Qua kiểm tra, huyện Ba Bể xác định, do thời tiết nắng nóng, mưa ẩm xen kẽ nên các loại nấm, vi khuẩn gây bệnh phát triển và gây hại, đặc biệt là bệnh sương mai và bệnh héo xanh khiến cho cây bí xanh chết.
Một giàn leo cho cây bí xanh thơm ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung cho biết, lãnh đạo huyện cũng đã trực tiếp cùng ngành chuyên môn xuống kiểm tra. Huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các xã triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp phòng, trừ dịch bệnh để bảo vệ cây bí xanh thơm.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể khuyến cáo, đối với bệnh sương mai, cần ngắt bỏ, thu gom tiêu hủy lá bị bệnh để hạn chế lây lan. Ngoài ra, bà con phun ướt đều cả hai mặt lá bằng một trong các loại thuốc đặc trị: Ridomil Gold 68WP, Dacoconil gold, Insuran 50WG, hoặc thuốc Aliette 800WG.
Đối với bệnh héo xanh, bà con cần vệ sinh đồng ruộng, cày phơi đất và xử lý đất, thu gom, tiêu hủy các tàn dư thực vật trước khi gieo trồng, tránh bị ngập úng trong mùa mưa. Ngoài ra, người trồng bí xanh cũng cần phun phòng bệnh bằng một trong các loại thuốc Starsuper 29WP, Kasumin 2LS…
Bí xanh thơm là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Đặc điểm quý của bí xanh thơm là tất cả thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Cây bí xanh thơm đã và đang được huyện Ba Bể phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2022, tỉnh Bắc Kạn trồng được hơn 200ha bí xanh thơm, sản lượng ước đạt 8.000 tấn.
Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, một phần diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP và chứng nhận hữu cơ PGS, chứng nhận OCOP 3 sao.
Với giá trị sản xuất đạt hơn 200 triệu đồng/ha, so cây lúa và các cây trồng ngắn ngày khác, cây bí xanh thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Quả bí được các Hợp tác xã chế biến thành nhiều sản phẩm, xuất bán đi khắp các tỉnh, thành phố qua hệ thống các siêu thị.
Huyện Ba Bể đang quyết liệt xử lý, không để dịch bệnh lây lan rộng, bảo vệ diện tích trồng loại cây này.