Cùng với hành trình tìm thăm những di tích cách mạng trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi tìm đến làng Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Tại đây, sau khi đi tham quan “Nhà lưu niệm Bác Hồ” của gia đình cụ Nguyễn Thị An, nơi đã đón tiếp “ông cụ mắt sáng ngời” trở về Thủ đô từ chiến khu Việt Bắc, chúng tôi được giới thiệu tiếp đến một “địa chỉ đỏ” khác cách đó không xa.
Men theo con đường nhỏ dưới chân đê, chúng tôi đến một ngôi nhà với mảnh sân vườn đầy hoa lá. Phía trước ngôi nhà có tấm bảng: “Di tích cách mạng-Nhà bà Hai Vẽ”. Bước vào mảnh sân nhỏ, trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà được xây bằng gạch, có vẻ cũng còn mới, bên trong trưng bày rất nhiều hình ảnh của Bác và các đồng chí có công với cách mạng. Một cao niên trong làng, cũng là “hướng dẫn viên” vô cùng nhiệt tình của chúng tôi lên tiếng: “Không phải nhà này, đây mới là nơi cần tham quan”.
Quay lưng lại, hiện trước mắt chúng tôi là hình ảnh vô cùng ấn tượng-một ngôi nhà tranh năm gian, cột kèo tre, nền nhà bằng đất được xây theo lối Bắc bộ cũ. Được biết, đây là ngôi nhà mà Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí Thường vụ Trung ương Hoàng Văn Thụ và Lê Ðức Thọ từng lưu lại những năm 1941-1945, một giai đoạn quan trọng và cũng vô cùng gian khó trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Và cũng chính ngôi nhà nhỏ này, vào ngày 31/1/1957, đã vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm.
Bước vào căn nhà di tích, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy khung cảnh nơi đây. Đầu tiên là một gian phòng nhỏ chỉ vừa hai người đứng. Được biết, đây chính là gian bếp nhỏ với ba “ông đầu rau” bằng đất đã từng “nuôi cơm” các chiến sĩ cách mạng Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Lê Đức Thọ.
Gian giữa của căn nhà kê một chiếc bàn thờ có ngăn tủ bên dưới dùng để đựng tài liệu. Phía sau hương án là nơi ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng, bên cạnh là một cửa sổ nhỏ. Qua lời thuyết minh của các cao niên trông coi di tích, khung cửa sổ này là nơi để các đồng chí di tản khi có biến động bất ngờ, dẫn ra một khoảng sân um tùm cây cối, có lối đi dẫn ra bờ sông nơi neo đợi sẵn một con đò nhỏ để đưa các chiến sĩ qua bên kia bờ. Tất cả những kỷ vật như giường tre, ghế đẩu,... dù đã cũ dần theo thời gian, nhưng vẫn được bảo quản vô cùng cẩn thận.
Cạnh bên là gian nhà nơi đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh từng ngồi làm việc, khởi thảo nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có bản “Đề cương văn hóa Việt Nam”. Cũng những năm tháng đó tại chính nơi đây, tờ báo Cờ giải phóng, cơ quan ngôn luận của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, đã được tổ chức in ấn.
Điểm đặc biệt nữa của gian nhà này là những chiếc nong tằm cũ kĩ được xếp chồng lên nhau. Người trông coi di tích cho hay: “Xưa kia, làng Phú Gia nổi tiếng khắp kinh kỳ với nghề trồng dâu nuôi tằm. Đặc điểm của nghề này là không được phép để cho tằm tiếp xúc với “hơi” của người lạ, nếu không thì tằm sẽ chết. Viện cớ như vậy, nên gia đình nhà bà Hai Vẽ luôn đóng kín cửa và hạn chế người lạ, để có thể dễ dàng che chở và nuôi giấu các đồng chí làm cách mạng”.
Khu vực Phú Thượng thuở ấy là một vùng trọng điểm, xung quanh có nhiều căn cứ của địch. Việc một căn nhà nhỏ nằm trong vùng nguy hiểm lại là nơi che chở cán bộ, cũng là nơi các đồng chí cấp cao của Trung ương Đảng dự thảo những bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử cách mạng như một minh chứng cho câu nói “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”.
Đã hơn 80 năm trôi qua, đất nước đã dần thay da đổi thịt, nhưng những di tích lịch sử vẫn còn đó. Những chiếc bếp ba chân được kê tạm bợ, bức vách đơn sơ do chính tay đồng chí Trường Chinh đắp nên, hay những chiếc nong tằm bảo vệ các cán bộ chính là những bằng chứng cho cuộc cách mạng vĩ đại đầy gian khó của dân tộc.