Di tích độc đáo đất Thăng Long

Đạo giáo từng có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tín ngưỡng người dân kinh thành Thăng Long xưa. Trấn Vũ quán (đền Quán Thánh), nơi thờ thánh Huyền Thiên Trấn Vũ là nơi ghi dấu cho tín ngưỡng này. Đây cũng là trấn bắc trong Tứ trấn Thăng Long.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch quốc tế tham quan đền Quán Thánh.
Khách du lịch quốc tế tham quan đền Quán Thánh.

Góc đường Quán Thánh-Thanh Niên (quận Ba Đình, Hà Nội) là nơi tọa lạc một trong những di tích, địa điểm tham quan nổi tiếng nhất của Thủ đô-đền Quán Thánh. Theo các tài liệu lịch sử, đền Quán Thánh được xây dựng từ thời Lý, khi kinh đô Thăng Long mới ra đời. Ngôi đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thánh của Đạo giáo và là một trong bốn di tích thuộc Thăng Long tứ trấn-nơi thờ bốn vị thánh trấn giữ bốn hướng kinh đô xưa. Đền Quán Thánh nằm ở phía bắc kinh thành. Những nơi thờ tự của Đạo giáo thường gọi là “quán”, nên tên gọi cũ của ngôi đền là Trấn Vũ quán.

Khi ảnh hưởng của Đạo giáo trong đời sống phai nhạt nên nhiều quán Đạo giáo được chuyển thành chùa, hay thay đổi cách gọi tên. Người dân hiện nay thường quen gọi di tích này là đền Trấn Vũ, hay đền Quán Thánh thay vì Trấn Vũ quán như xưa.

Đền Quán Thánh có địa thế rất đẹp, phía trước là hồ Tây, phía bên phải là hồ Trúc Bạch, bố cục không gian thoáng và hài hòa. Đền được tu sửa nhiều lần, kiến trúc hiện tại là dấu ấn của lần trùng tu lớn vào năm 1838. Các hạng mục chính ngày nay gồm: Tam quan, sân, các lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Trong đó, tam quan đền Quán Thánh luôn được xem như một trong những hình ảnh tiêu biểu về Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền các đề tài như tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới... được chạm khắc một cách tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Điều độc đáo nhất trong đền Quán Thánh là bức tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ, được đúc vào cuối thế kỷ 17 bởi những người thợ đúc đồng phường Ngũ Xã. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96m, tạc vị thánh trong tư thế an tọa trên bục đá, tóc xõa không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng một con rùa.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của thợ thủ công Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Tại nhà bái đường, phía bên tay trái của bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ có một pho tượng đồng nhỏ. Đây chính là tượng ông Trùm Trọng, người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Trấn Vũ. Tượng này là do các học trò của ông đúc để ghi nhớ công ơn của thầy. Cùng đúc với tượng là quả chuông cao gần 1,5m treo ở gác tam quan.

Đền Trấn Vũ từ xa xưa đã là một danh thắng nổi tiếng của Thăng Long. Dân gian có câu: Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. Do vị trí đắc địa, các công trình kiến trúc, các hiện vật điêu khắc đều mang giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, đền Trấn Vũ là một trong những địa danh thu hút đông đảo khách du lịch trên địa bàn Thủ đô. Đền Trấn Vũ là một trong bốn di tích thuộc Thăng Long tứ trấn được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.