“Di sản văn hóa người Dao” đoạt giải đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc

NDO -

Chiều 10-12, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) công bố Giải thưởng Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16, năm 2020.

Lễ công bố giải thưởng.
Lễ công bố giải thưởng.

Theo đó, ban tổ chức quyết định trao giải cho 106 đề tài, gồm 1 giải Đặc biệt, 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 30 giải Ba và  60 giải Khuyến khích. Các đề tài đoạt giải đặc biệt và nhất sẽ được tham dự Triển lãm quốc tế dành cho các sáng tạo trẻ IEYI, dự kiến tổ chức tại Thái Lan vào năm 2021.

TS Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc do VUSTA, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) là đơn vị thường trực.

Cuộc thi được tổ chức từ năm 2004 và đến nay Quỹ VIFOTEC đã tổ chức thành công 15 lần với sự tham gia của hàng chục nghìn học sinh trong cả nước với hàng nghìn đề tài dự thi.

Cuộc thi năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được 754 đề tài của học sinh từ 57 tỉnh, thành phố tham dự. Các đề tài tập trung vào 5 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Trong đó, đề tài về lĩnh vực giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường có số lượng dự thi nhiều nhất, với 218 đề tài.

Giải Đặc biệt năm nay được trao cho đề tài “Di sản văn hóa người Dao Lào Cai” của hai học sinh người dân tộc Dao là: Tẩn A Sì, Tẩn Sì Mẩy, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai. Giải thưởng gồm Bằng khen của Ban Chỉ đạo, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo và tiền thưởng trị giá 20.000.000đ.  

Đề tài này được Hội đồng Giám khảo đánh giá  cao về  tính kỹ thuật và tính sáng tạo, đi sâu vào nét văn hóa dân tộc của của người Dao nơi các em sinh sống, mô phỏng lại nghi lễ cấp sắc của người Dao - một nghi lễ giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Dao.

Mô hình được cấu tạo từ những vật liệu có sẵn như gỗ, vải, tre, sắt, mô-tơ điện để mô phỏng, tái hiện các nghi lễ cúng rừng, lễ cơm mới, đám cưới và đặc biệt là nghi lễ cấp sắc ở ngoài trời và trong nhà với phối cảnh thiên nhiên.

Hoạt động của mô hình theo nguyên lý chuyển động cơ học, từ mô-tơ điện tới các trục quay và truyền lực tới các khớp nối giữa người được cấp sắc và thầy cúng. Bật công tắc trục quay gắn với mô-tơ điện chuyển động và truyền lực lên các khớp nối, khi đó, người được cấp ắc và các thầy cúng sẽ thực hiện các thao tác trong lễ cấp sắc.

Mô hình mô phỏng chân thực, chi tiết từng nghi thức của buổi lễ khiến người xem có thể dễ dàng hiểu nét đặc trưng văn hóa của buổi lễ, có thể là tiền đề cho việc nghiên cứu, phát triển các mô hình bảo tồn nét đạp văn hóa truyền thống khác của các dân tộc trên khắp cả nước.

Ban tổ chức cho biết, các tác phẩm đoạt giải năm nay thể hiện rõ ý tưởng sáng tạo phong phú của học sinh, một số sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Lễ trao giải cuộc thi sẽ được diễn ra vào tối 12-12, tại Hà Nội.