Cùng suy ngẫm

Đi dưới những hàng cây khép tán

Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ, đô thị hóa mạnh mẽ, nhưng nhìn tỷ lệ cây xanh so với tỷ lệ những nhà chung cư cao tầng thật đáng suy nghĩ. Hiện ở trung tâm Thủ đô, tỷ lệ cây xanh chỉ đạt khoảng trên dưới 1m2/người, trong khi vào năm 2030, tức là còn 8 năm nữa, mục tiêu đặt ra về hưởng thụ cây xanh của người thành phố là 7m2/người.
0:00 / 0:00
0:00
Hoa sưa trên đường Phan Đình Phùng. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Hoa sưa trên đường Phan Đình Phùng. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Mỗi khi có tin một cơ sở công nghiệp, một nhà máy di dời ra khỏi nội đô, dư luận lại xôn xao, cái gì sẽ mọc lên từ khoảng trống ấy? Trong khi nhiều nhà đầu tư bất động sản chỉ nghĩ tới một cuộc chuyển đổi có lời, là khu đô thị, chung cư cao cấp, thì bao người vẫn ngậm ngùi.

Cuối thu, trên phố Phan Đình Phùng nối từ đầu đường Hùng Vương cho tới đầu bốt Hàng Đậu, đúng là thiên đường lãng mạn check in, chụp ảnh, cà-phê ngắm phố. Con phố ấy đẹp cả bốn mùa, nhưng đẹp nhất là mùa thu. Người ta nói nhiều về con đường ấy, những ngôi biệt thự cổ, vẻ đẹp cổ xưa và hiện đại đan xen giữa lòng thành phố, nhưng ít nói việc làm sao để có một phố cây khép tán đẹp quyến rũ như vậy. Khoảng vỉa hè rất rộng để cây thở, vươn lên, thẳng thắn và không nghiêng lệch, kết quả có được từ quy hoạch nhà, vỉa hè, cây xanh và lòng đường hợp lý.

Cây sấu được chọn, là cây có bộ rễ ăn sâu, bám chắc, trồng từ cây non lớn dần lên, nên bão gió khó mà gãy đổ. Rễ nổi thành, nổi lũy trên mặt đường, gân guốc và bền bỉ. Qua năm tháng, hàng cây khép tán, đan cành, trải bao mưa bão, bom đạn chiến tranh, sâu mọt của tự nhiên và thời gian, trở thành phố cây mẫu mực của Thủ đô. Phố Tràng Thi, Trần Phú, đường Hoàng Diệu… cũng là những đường cây đẹp, nắng như đổ lửa mà chỉ thấy trời xanh qua kẽ lá...

Quy hoạch phố đã đồng bộ với quy hoạch cây xanh, hay cây mới “cắm” vào trang trí quy hoạch?

Đi dưới tán cây cứ nghĩ vẩn vơ vì sao sau hàng chục năm phát triển, mở rộng quy hoạch, Hà Nội vẫn chưa có nhiều công viên xứng tầm, những hàng cây khép tán đẹp như thế. Quy hoạch phố đã đồng bộ với quy hoạch cây xanh, hay cây mới “cắm” vào trang trí quy hoạch? Vì đất dành cho cây còn quá hẹp, hay có quy hoạch cây mà lại hay bị xén nhất? Từ bao giờ, trồng cây cứ phải bứng cả cây to, nhưng vầng rễ thì trọc lốc về trồng, nhiều nơi còn để nguyên cả bao gói chằng trồng xuống nên dù đã buộc, nào sắt nào thép, mà vẫn ngã đổ chỉ sau một trận gió thường. Sâu rễ mới bền gốc, rễ non sao gánh đỡ nổi thân gỗ già, tán nặng trong gió bão?

Đi dưới những hàng cây khép tán ảnh 1
Trên những góc phố, ngõ nhỏ của Hà Nội các tán lá xen lẫn sắc vàng, đỏ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Thỉnh thoảng, nom mấy cái xe của công ty cây xanh đi cắt tỉa cây giữa phố mà hài hước. Thành quả lắm khi toàn cành bánh tẻ, cành non, chả thấy cành mục, cành sâu đâu mà chỉ thấy màu xanh nhựa ứa của sự sống đang lên, của màu xanh thời héo úa, của hy vọng khép tán đang còn dang dở. Không rõ tất cả những người được giao tỉa cành, chặt cây ấy có chuyên môn lâm nghiệp hay không, có tìm hiểu “thăm” cây kỹ lưỡng hay không trước khi đè nghiến ra cắt tỉa. Dẫu cắt tỉa bớt cành sâu mục thì sẽ an toàn hơn trong mùa mưa bão, nhưng cắt cả thân cành khỏe, cắt cả tán xanh thì còn đâu bóng mát?

Nhìn hàng xà cừ tỉa trọc trên phố Kim Mã, mà nhớ bài học chặt hạ hàng xà cừ chạy từ Ngã Tư Sở về Cao-Xà-Lá, Hà Đông một thuở che mưa nắng cho biết bao người! Chặt cây đáng nhớ, trồng hàng cây phong miền ôn đới trên đường Nguyễn Chí Thanh thất bại cũng đáng nhớ không kém!

Hà Nội đã có những con đường hoa sữa, hoa phượng, sao đen, sấu… Mở rộng quy hoạch, các con phố mới, khu đô thị mới cũng cần những quy hoạch cây xanh xứng tầm, thí dụ, đường Nguyễn Chánh, Mạc Thái Tông với long não; đường ven sông Tô Lịch từ Bưởi về Cầu Giấy với bàng Đài Loan… Để có màu xanh thời gian ấy, cần bảo vệ và gìn giữ lâu lắm. Gốc long não thiếu niên này còn lâu mới bằng các “ông cụ long não” trong Bệnh viện Việt Xô, Bệnh viện 108 từ thời còn là Nhà thương Đồn Thủy... Đại lộ Võ Nguyên Giáp nối sân bay Nội Bài về trung tâm thật ấn tượng với 5 tầng cây xanh, hoa, nhưng chắc còn lâu lắm mới rợp bóng.

Đi dưới những hàng cây khép tán ảnh 2

Dân chuyên môn nói, khi diện tích cây xanh đạt 20 đến 50% diện tích đất đô thị thì có thể giảm nhiệt độ không khí tới 30C. Tán lá xanh có thể làm giảm từ 40 đến 50% bức xạ mặt trời…

Năm nay, Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới từ 200.000 đến 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ. Thanh niên Hà Nội đang háo hức tán chuyện đi cắm trại trong Công viên Yên Sở. Biết Hà Nội sẽ xây dựng 6 công viên mới, gồm: Công viên Chu Văn An, huyện Thanh Trì; Khu công viên và hồ điều hòa Khu đô thị mới Cầu Giấy; Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội; Công viên văn hóa Kim Quy; Công viên hồ Phùng Khoang; Công viên văn hóa - vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông với tổng diện tích tới vài trăm héc-ta, cũng thấy hào hứng.

Rừng trong Thủ đô, mơ ước đó có xa xỉ quá không?

Thái Lan, trong nỗ lực xây dựng một Bangkok xanh hơn vào năm 2030, Công viên rừng Benjakitti lớn nhất Bangkok với diện tích 72ha, có thể đón 12.000 người. Điều thú vị, trước đây, Công viên Benjakitti vốn là khu vực đặt các nhà máy thuốc lá, nhưng sau đã được quy hoạch thành công viên cho dân đến nghỉ ngơi, chạy bộ, đạp xe…

Nghe nói cơ quan chức năng đang điều tra về những khuất tất trong các dự án trồng cây tại Hà Nội giai đoạn trước. Làm sai thì phải xử lý! Tham nhũng trong ngoại giao, y tế, giáo dục đã phải kỷ luật, đi tù. Việc làm rõ, siết chặt các quy định trong các dự án trồng cây là rất nên làm, còn để răn đe, cảnh báo. Nhưng, cây xanh không có lỗi! Lỗi là những người “ăn sống nuốt tươi” cây. Những con phố, đô thị, nếu không có những hàng cây xanh rợp bóng, thì dẫu nhà to, sang đến mấy vẫn cứ chông chênh lắm. Miền nhiệt đới, lẽ ra không nên thiếu cây quá vậy, có chăng nếu thiếu là thiếu trong tâm, thiếu trong lòng, mới ra nỗi thế.