Chuỗi liên kết - “Chìa khóa” vượt khó
Ngay từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, trong năm 2019, Công ty CP May Sài Gòn 3 đã nhanh chân tìm đối tác, xuất khẩu (XK) khoảng hơn một tỷ USD giá trị hàng hóa vào các thị trường trong khối là Australia, Canada và Nhật Bản. Một phần trong khối kim ngạch XK này đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhờ nguồn nguyên liệu được chủ động từ trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối.
Nhờ chủ động được một phần nguồn nguyên liệu, năm nay, May Sài Gòn 3 bớt áp lực hơn khi dịch bệnh khiến nguồn cung nguyên liệu đứt gãy, đặc biệt trong quý đầu năm. Doanh nghiệp cũng tiếp tục gặp gỡ, đàm phán đơn hàng với các đối tác trong CPTPP để tận dụng hiệu quả từ mức thuế thấp.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 chia sẻ, về lâu dài, May Sài Gòn 3 đang kết hợp với doanh nghiệp (DN) cung ứng nguyên phụ liệu trong nước để tạo ra nguồn nguyên phụ liệu phù hợp về xuất xứ, bảo đảm chất lượng, tiếp tục chinh phục các thị trường trong khối. Dù các thị trường này có quy mô không quá lớn, song việc chủ động nguyên liệu đã giúp DN đa dạng thị trường XK, giảm bớt khó khăn.
May Sài Gòn 3 là một trong những DN vẫn giữ vững được kim ngạch XK nhờ liên kết chuỗi trong sản xuất dệt may. Trước ảnh hưởng trầm trọng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu, ngành dệt may cũng trải qua nhiều thách thức lớn. Cụ thể, trong quý 1/2020, ngành dệt may đối diện với nguồn cung bị gián đoạn do thiếu hụt ảnh hưởng đến sự ổn định của một doanh nghiệp và công ăn việc làm của người lao động. Bên cạnh đó, sức mua của người tiêu dùng thay đổi quá nhanh, hàng loạt các hệ thống bán lẻ, siêu thị và các của hàng trên toàn cầu bị đóng cửa, các nhãn hàng thanh toán chậm… đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình ổn định sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, chính những thách thức này đã giúp ngành dệt may đưa ra các giải pháp quyết liệt để vượt qua khó khăn. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp đã xây dựng được liên kết chuỗi về đơn hàng, bảo đảm nguồn cung thiếu hụt. Bên cạnh đó, trong dịch Covid-19 chương trình phát triển xanh hóa của các doanh nghiệp đã được quan tâm đầy đủ hơn với xu hướng phát triển bền vững, từ việc đầu tư hạ tầng của các nhà máy với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn, quan tâm tới người lao động tốt hơn. Nhờ có sự bứt tốc, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm qua đạt kết quả ấn tượng, ở mức 35,27 tỷ USD.
Thay đổi để thích ứng
Năm 2021 và 2022 được nhận định vẫn còn khó khăn khi dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa thể kiểm soát. Ngay trong trường hợp nếu quý 1-2 năm 2021 có vaccine và toàn cầu tiêm vaccine vào cả năm 2021 thì phải đến cuối năm 2023 thị trường dệt may mới có thể khôi phục như năm 2019.
Trước những biến động đó, ông Vũ Đức Giang cho hay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra 5 giải pháp. Cụ thể, các DN phải thích ứng được với chuyển đổi nhanh khi mà biến cố thị trường sức mua toàn cầu giảm, nhiều mặt hàng truyền thống của Việt Nam không còn chuyên môn hóa, vestton, sơ mi nam, sơ mi nữ đã giảm xuống 70-80%. Đây là một thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam buộc các doanh nghiệp phải thích ứng.
Đồng thời, các DN cần tìm hiểu tình hình thay đổi của thị trường trong nước và quốc tế để tìm giải pháp phù hợp, chủ động ứng phó với tình hình mới trong năm 2021.
Ngoài ra, để thực hiện giải pháp vượt qua thách thức của dịch Covid-19 không có giải pháp nào khác là xây dựng các liên kết chuỗi của ngành công nghiệp dệt may trong khu vực, đặc biệt là liên kết chuỗi với các nước trong khối cộng đồng mà các hiệp định thương mại tự do. Đây là vấn đề sống còn cho mục tiêu phát triển bền vững.
Ngành dệt may Việt Nam cũng cần đưa ra chiến lược trong phát triển bền vững. Đặc biệt, phải đặt ra và tuân theo các tiêu chí chứng nhận xuất xứ và các chứng nhận về bảo đảm môi trường, vấn đề tiết kiệm năng lượng, vấn đề tái tạo và đặc biệt là vấn đề an toàn trong sản phẩm sản xuất.
Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành dệt may rất quan trọng. Trong đó, phải xây dựng tầm nhìn về một số giải pháp tự động hóa, đặc biệt là tự động hóa cho ngành kéo sợi, ngành dệt, nhuộm và quản trị ngành may.
“Cùng với nỗ lực của DN, Chính phủ, Bộ Công thương cần sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2030-2040 để từ chiến lược này, chúng ta định hướng được các khu công nghiệp lớn kêu gọi đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt, từ đó tận dụng tốt lợi ích của các hiệp định thương mại mà Chính phủ chúng ta đã ký như CPTPP, EVFTA, RCEP”, ông Vũ Đức Giang cho hay.
Đặc biệt, giải pháp quyết định đến thành công của ngành dệt may Việt Nam là cơ chế, chính sách phải thực sự tạo ra một sự thông thoáng, đặc biệt là ngành hải quan, vận tải logistics. Các chính sách phát triển của Chính phủ định hướng để ngành dệt may có đóng góp ổn định cho nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động với mục tiêu đặt ra là sẽ xuất khẩu 38-39 tỷ USD vào năm 2021.