Phóng viên trẻ Nguyễn Thu Hằng: Tôi muốn tái hiện câu chuyện chân thật nhất về Đà Nẵng
Kiên nhẫn chờ đợi nhân vật, chắt chiu từng câu chữ để tái hiện bức tranh chống dịch tại Đà Nẵng là những gì mà cô phóng viên trẻ Nguyễn Thu Hằng, Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zingnews) đã làm được trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần thứ 3.
Ngày 27-7-2020, Hằng nhận lệnh lên đường chỉ trong buổi sáng. Cô có vài tiếng chuẩn bị hành trang lên đường tới Đà Nẵng vì 0 giờ ngày 28-7, Đà Nẵng chính thức cách ly xã hội. “Buổi sáng tôi vẫn đi tác nghiệp tại một sự kiện khác, và trưa nhận lệnh thì chiều lên đường. Lúc đó chỉ biết đi và chưa xác định ngày về”, Hằng kể.
Sau những ngày đầu tiên khó khăn trong việc thuê khách sạn để tá túc, cả nhóm may mắn đã tìm được hai căn hộ và thu xếp mỗi người ở một phòng riêng biệt để hạn chế nguy cơ.
Trong tâm dịch, các chiến sĩ áo trắng là những người vô cùng khó khăn để tiếp cận. “Các y, bác sĩ phải chắt chiu thời gian nghỉ ngơi, tôi không nỡ cướp đi thời gian của họ. Và khi mệt mỏi, họ không đủ sức lực và tư duy kể chuyện cảm xúc cho người nghe”, Hằng bộc bạch.
Vì thế, cô nhẫn nại nhiều giờ ở bệnh viện, nhiều khi chạy theo các y, bác sĩ chỉ để nhận được vài câu ngắn ngủi. Nhưng cô kiên trì tới cùng để chờ đợi gặp được từng nhân vật mà cô đã lên kịch bản sẵn.
“Lúc đầu, tôi lên danh sách khoảng 20 nhân vật, sau đó tiếp cận và phỏng vấn được 13 nhân vật. Trong số 13 người phỏng vấn ấy, tôi chỉ có thể đưa vài nhân vật vào bài viết. Từng câu chuyện, từng chi tiết được tôi đắn đo rất nhiều để làm sao kể được câu chuyện thật nhất có thể”, Hằng kể.
Để hoàn thiện bài viết "Giải cứu Đà Nẵng", Hằng đã dành thời gian để bóc băng tư liệu dài 120 trang, chắt lọc sáu nghìn chữ thành hình hài bài viết. Nhưng khi bài viết gửi về tòa soạn, cô liên tục nhận được yêu cầu phải sửa vì bài viết bị "gồng". Cô lắng nghe và hoàn thiện bài viết.
Nhà báo Nguyễn Thị Anh Đào: Luôn chuẩn bị tinh thần tác nghiệp trong bệnh viện
Cơ địa dị ứng thuốc, không thể tiêm vaccine, nhà báo Nguyễn Thị Anh Đào (Báo Nhân Dân thường trú tại Đà Nẵng) chọn cách xét nghiệm thường xuyên để bảo vệ cho bản thân và cho gia đình, cơ quan khi xung phong vào trong tâm dịch Đà Nẵng những ngày nóng bỏng nhất.
Chị Anh Đào kể lại, từ tháng 6-2020, chị đã có bốn tháng trực chiến và luôn trong trạng thái sẵn sàng để nếu trong quá trình tác nghiệp mà mắc bệnh, sẽ bình tĩnh đón nhận, không bị sốc và chuẩn bị luôn tinh thần tác nghiệp trong bệnh viện.
Mỗi ngày tác nghiệp là một ngày trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Hầu hết các tin, bài, ảnh đều được xử lý ở ngoài đường, ngay trước các chốt chặn phong tỏa và bất cứ chỗ nào khi đã hoàn tất việc tác nghiệp. Thành phố thực hiện lệnh giãn cách, phong tỏa, vỉa hè - chính là nơi nhiều phóng viên như chị tác nghiệp gửi thông tin về tòa soạn.
“Nếu nói không sợ là không đúng. Khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng lên chưa có điểm dừng và như vậy, đồng nghĩa với cuộc chiến chống dịch còn dài. Tôi lăn lộn tuyến đầu, có lúc đã mệt và đuối sức. Nhưng, công việc vẫn phải hoàn thành với áp lực về thông tin nhanh, kịp thời, chính xác nhưng phải “bảo đảm an toàn cho bản thân khi tác nghiệp”. Đây là quy định, mệnh lệnh của lãnh đạo cơ quan nhưng bản thân tôi cũng luôn đặt sự an toàn phòng, chống dịch lên hàng đầu. Tôi đã tự đề xuất với lãnh đạo cơ quan làm việc trực tuyến hoàn toàn, tự cách ly với cơ quan và với gia đình”, chị Anh Đào kể.
Nhà báo Anh Đào bộc bạch, từ những ngày đầu tiên khi TP Đà Nẵng trở thành tâm dịch năm 2020, chị đã được chứng kiến khá nhiều hoàn cảnh éo le, nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 ra đi mà không có người thân thích bên cạnh. Là những phút giây các y, bác sĩ kiệt sức, ngất vì cường độ làm việc quá cao. Rồi những đôi bàn tay nhăn nheo vì mất nước của các đồng nghiệp khi mang đồ bảo hộ, găng tay tác nghiệp liên tục trong khu vực cách ly điều trị đặc biệt.
"Cảm xúc khi chứng kiến, khi trải qua và khi viết ra khó có thể truyền tải hết được, nhưng, mọi thứ, đã quá mong manh và tôi muốn ghi lại những lúc lòng trùng xuống. Tôi đã có rất nhiều đêm đi về giữa những thời khắc rạng sáng một ngày, nhiều khi đi tác nghiệp bất chấp nhiều nguy hiểm hơn cả điều đã nghĩ, đã định và đã gặp. Đó là những 0 giờ mà tôi ghi lại rất kỹ trong nhật ký của mình. Và đến bây giờ, Đà Nẵng đang bùng phát dịch trở lại. Nhiều cảm xúc lại đan xen trong ngày kỷ niệm của nghề - 21-6”.
Nhà báo Đặng Đức Giang: Phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch phải có sự can đảm
Vừa thực hiện tác nghiệp, cung cấp thông tin cho nhiều ấn phẩm báo viết và triển khai cả những bản tin thời sự cho Truyền hình Nhân Dân, nhà báo Đặng Giang (Báo Nhân Dân thường trú tại Bắc Giang) cho biết, xác định tinh thần cuộc đấu tranh với giặc vô hình lần này nhiều thách thức, nên ý thức phòng, chống dịch được anh và các đồng nghiệp tại đây đặt lên hàng đầu, để vừa an toàn cho bản thân, vừa thực hiện được nhiệm vụ chuyển tải thông tin từ chiến trường Covid-19 nóng bỏng tại Bắc Giang.
Từ đầu tháng 5, nhà báo Đặng Giang bước vào những ngày tác nghiệp căng thẳng. Anh cũng như các đồng nghiệp khác, xác định mình có thể trở thành F0 bất kỳ lúc nào do virus đột biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh.
Nhà báo Đặng Giang kể lại, những ngày vào tâm dịch, anh xót xa cho nhiều công nhân trẻ, không còn khoản thu nhập nào, sống tạm bợ trong các khu nhà trọ và chờ vào những bữa ăn cứu trợ. Xót xa hơn, tại các khu cách ly cho các cháu học sinh có nhiều em nhỏ phải tự đi cách ly một mình khi cả bố mẹ đều nhiễm bệnh. Trong những khu này, có khi bà nội đi theo chăm 3-4 cháu của 2-3 đứa con mình. Nhìn các cháu phải cách ly y tế thời gian rất dài rất thương cảm.
Đặc biệt, trong cuộc chiến này, hình ảnh những bạn sinh viên còn trẻ tuổi, vóc dáng nhỏ bé nhưng sức làm việc bền bỉ đầy thán phục. “Các em làm việc 10-12 giờ trong bộ đồ bảo hộ. Có những hôm, trời Bắc Giang như đổ lửa, các em chỉ giăng ô mỏng che trên đầu. Tôi chứng kiến nhiều bạn ngất tới 2-3 lần, nhiều người về nhà bảo bố mẹ không còn nhận ra con mình, nhưng tinh thần chống dịch của các em rất cao”, anh Giang kể.
Những ngày này, Bắc Giang tiếp tục lại ghi nhận thêm diễn biến mới với hàng chục nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân đã nhiễm bệnh. Anh và các đồng nghiệp vẫn đang trực chiến để cập nhật các thông tin nhanh nhất cho độc giả.
Nhà báo Đặng Giang chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp trong tâm dịch, cần phải coi trọng công tác phòng dịch vì chúng ta đang chiến đấu với virus vô hình, dễ phát sinh tâm lý chủ quan.
Bên cạnh đó, nhà báo Đặng Giang nhấn mạnh, phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch phải có sự kiên trì, can đảm, dám xông pha, lăn xả. Các phóng viên phải có sự cọ sát thực tế tại cơ sở, phải có đầu óc tư duy tổng hợp, định hướng dư luận để dư luận hiểu đúng về công tác phòng, chống dịch.
Nhà báo Lê Xuân Thắng: Không ngòi bút nào có thể tả hết được sự hy sinh của những chiến sĩ áo trắng
Với nhiệm vụ theo đoàn công tác Bộ phận thường trực của Bộ Y tế, nhà báo Lê Xuân Thắng (Báo Gia đình và Xã hội) không chỉ thực hiện nhiệm vụ tòa soạn giao là chuyển tải những thông tin, hình ảnh, thước phim quý giá tại Bắc Giang lên mặt báo, mà anh và các đồng nghiệp còn thực hiện nhiệm vụ truyền thông quan trọng cho Bộ Y tế, cung cấp thông tin cho hàng trăm cơ quan báo chí trên khắp cả nước. Vì thế, phản ánh những gì đều phải được lựa chọn rất cẩn thận.
Ngày 8-5, đoàn nhà báo đi cùng Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đặt chân tới Bắc Giang. Lúc này, Bắc Giang đang như một chảo lửa, vừa phải chịu sự nắng nóng gay gắt, vừa phải đối mặt với cục diện dịch lan rộng khốc liệt chưa từng có.
“Cũng có lúc chúng tôi phải mặc trang phục bảo hộ, nhưng chỉ 2-3 giờ đồng hồ. Nhìn lực lượng y tế thực địa mặc cả ngày trong tình trạng nắng, hơi nóng bốc lên từ đường bê tông, chúng tôi vô cùng cảm kích. Không có ngòi bút nào có thể tả hết được sự hy sinh của những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến chống dịch”, anh Thắng kể.
Bất kỳ thời gian nào những chiến sĩ áo trắng đổ ra đường, tỏa đi các khu dân cư để thực hiện nhiệm vụ giám sát dịch tễ, điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cũng là thời điểm những nhà báo như anh Thắng vác máy ảnh, máy quay đi theo. Nhiệm vụ của anh Thắng là bám sát Tiểu ban điều tra giám sát dịch tễ. Tất cả đều mong muốn ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về cuộc chiến khốc liệt chống dịch tại Bắc Giang.
Để giảm thiểu cho các chiến sĩ áo trắng không bị kiệt sức, công tác lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện vào sáng sớm từ 5 giờ sáng hoặc có đoàn làm tới 1-2 giờ sáng hôm sau. Những hình ảnh làm việc đêm hôm của đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm cũng đã được anh Thắng ghi lại với nhiều bức ảnh, câu chuyện cảm động. Và khi trở về khách sạn, anh cùng các đồng nghiệp lại dành chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi vào đêm khuya, để tái hiện lại những câu chuyện cảm động này.
Hơn 140 tin, bài, ảnh, video clip là những sản phẩm đầy tâm huyết của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ truyền thông trong tâm dịch. Trong đó, có những bà mẹ hai lần xung phong vào tâm dịch; có bà mẹ đơn thân để lại con nhỏ, mẹ già không quản ngại nắng nóng ở tuyến đầu xét nghiệm; nữ điều dương chịu tang mẹ trong tâm dịch; có những câu chuyện chia sẻ đầy tình người ở tâm dịch giữa người con Bắc Giang với đội ngũ hỗ trợ địa phương…
25 ngày làm "chiến sĩ" tại trận địa Bắc Giang nóng bỏng, anh Thắng bộc bạch, trong cuộc chiến ấy, anh và các đồng nghiệp không thể nào kể hết được về sự hy sinh thầm lặng, những thách thức tột đỉnh, những guồng quay công việc với 200-300% sức làm việc ngày thường, những nỗi đau phải kìm nén xuống của nhiều chiến sĩ áo trắng từ truy vết, xét nghiệm, điều trị...
Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, đó là tinh thần đoàn kết, tương trợ và động viên, khích lệ nhau cùng vượt qua cuộc chiến Covid-19 thách thức lớn nhất. Điều anh Thắng và các đồng nghiệp mang theo về Hà Nội đó là niềm tin Bắc Giang sẽ khống chế được dịch bệnh trong tháng 6 này.