Đêm thơ nhạc kịch "Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi" - miền cảm xúc đặc biệt

NDO - Sâu lắng, xúc động, bi thương, tự hào, tiếc nuối…, đó là những miền cảm xúc đặc biệt mà chương trình đêm thơ nhạc kịch "Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi" diễn ra tối 16/8 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội đã để lại trong lòng khán giả.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình được thực hiện nhân kỷ niệm 75 năm sinh Lưu Quang Vũ, 35 năm ngày mất Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh. (Ảnh: Ban tổ chức)
Chương trình được thực hiện nhân kỷ niệm 75 năm sinh Lưu Quang Vũ, 35 năm ngày mất Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh. (Ảnh: Ban tổ chức)

Chương trình được Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt và gia đình hai cố tác giả Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh phối hợp thực hiện, nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, 35 năm ngày mất của cặp vợ chồng tài hoa bậc nhất của văn chương, kịch nghệ Việt Nam.

Dù đã nhiều năm các chương trình tưởng niệm Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ được tổ chức, nhưng xúc cảm vẫn luôn đầy ắp và vẹn nguyên đối với những người yêu di sản nghệ thuật mà hai cố tác giả để lại. Đó là lý do khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội tối 16/8 chật kín khán giả nhiều lứa tuổi.

Kéo dài hơn 2 giờ, chương trình đưa người xem đến với câu chuyện cuộc đời của Lưu Quang Vũ thông qua hàng loạt tác phẩm đặc sắc của ông được thể hiện một cách sáng tạo.

Chương I: "Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ" mở đầu bằng bài thơ của nhà thơ Lưu Quang Thuận viết tặng con trai đầu lòng Lưu Quang Vũ. Có lẽ nhà thơ Lưu Quang Thuận chẳng thể ngờ con trai ông sau này đã trở thành một nhà thơ, nhà viết kịch lớn.

Thơ Lưu Quang Vũ dành nhiều cảm hứng cho đề tài đất nước, dân tộc, nhân dân. Trong bài thơ “Nói với mình và các bạn”, ông từng khẳng định: Thơ không phải là chứng minh/ Không phải hào quang phản chiếu của tấm gương/ Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa/Thơ sinh sự với cuộc đời, không cho ai dừng bước cả/Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều…

Đêm thơ nhạc kịch "Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi" - miền cảm xúc đặc biệt ảnh 1

Nghệ sĩ ưu tú Tạ Tuấn Minh thể hiện bài thơ "Việt Nam ơi". (Ảnh: Ban Tổ chức)

Ở phần này, thông qua những giọng đọc của Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, Nghệ sĩ ưu tú Tạ Tuấn Minh, Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Kỷ, nguồn cảm hứng công dân trong thơ Lưu Quang Vũ được tái hiện mạnh mẽ với các bài: “Việt Nam ơi”; “Trung Hoa”, “Người cùng tôi”, “Nói với mình và các bạn”.

Phần kết chương là giọng ca trong trẻo, ngọt ngào của Bùi Hà My với hai ca khúc “Mắt một mí”, “Phố ta” được nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và Lê Tâm phổ từ thơ Lưu Quang Vũ mang đến cảm xúc đầy tươi mới, tinh khôi cho khán giả.

Chương II: “Anh yêu em và anh tồn tại” khiến người xem thổn thức với những bài thơ tình nổi tiếng mà ông đã viết tặng cho ba người phụ nữ có nhiều ảnh hưởng nhất trong cuộc đời ông.

Đó là “Vườn trong phố” (Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh thể hiện) với những câu thơ nổi tiếng: Trong thành phố có một vườn cây mát/Trong triệu người có em của ta được Lưu Quang Vũ viết tặng người vợ đầu của ông - diễn viên điện ảnh Tố Uyên - vai nữ chính trong bộ phim “Con chim vành khuyên”, người ông đã trao cả tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ, để rồi chia tay sau đó khi nhận thấy có nhiều điều không hòa hợp.

Đó là “Lá thu” (nghệ sĩ Minh Trang thể hiện), “Gửi Hiền, mùa đông” (Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh thể hiện) được Lưu Quang Vũ viết tặng nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - tri kỷ của ông trong những “tháng năm đau xót và hy vọng”, những tháng năm mà Lưu Quang Vũ lận đận kiếm sống cũng như đi tìm con đường của mình trong nghệ thuật.

Đêm thơ nhạc kịch "Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi" - miền cảm xúc đặc biệt ảnh 2

Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Kỷ thể hiện bài thơ "Thư viết cho Quỳnh trên máy bay". (Ảnh: Ban Tổ chức)

Và đó là những vần thơ da diết trong “Thư viết cho Quỳnh trên máy bay” (Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Kỷ thể hiện), “Và anh tồn tại” (Nghệ sĩ ưu tú Tạ Tuấn Minh thể hiện) ông viết tặng nhà thơ Xuân Quỳnh - người vợ, người bạn thơ đồng điệu có 15 năm cùng ông đi qua những tháng ngày thăng hoa cả về tình yêu và sự nghiệp.

Nếu với Tố Uyên là tình yêu say đắm, trong sáng của một chàng trai mới lớn; với Nguyễn Thị Hiền là tình yêu của những năm đất nước chiến tranh, gian khổ, thì khi gặp Xuân Quỳnh vào năm 1973, tình yêu của ông trọn vẹn, trưởng thành, đằm thắm, với những cung bậc phong phú nhất, từ lãng mạn, đắm say, đến giản dị, đời thường…

Chương III: “Hồn Trương Ba - da hàng thịt” là cách thể hiện mới mẻ của Lucteam về một trích đoạn kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ. Cùng với lối diễn đặc trưng theo phong cách biểu hiện - ước lệ của nghệ thuật sân khấu truyền thống, đạo diễn Trần Lực đã đưa vào nhiều lời thoại mới mẻ, mang hơi thở hiện đại của cuộc sống hôm nay.

Đêm thơ nhạc kịch "Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi" - miền cảm xúc đặc biệt ảnh 3

Hình ảnh trong trích đoạn "Hồn Trương Ba-da hàng thịt". (Ảnh: Ban Tổ chức)

Qua đó, trích đoạn mang đến sự hấp dẫn, lôi cuốn khi khắc họa cuộc đấu tranh căng thẳng giữa phần hồn và phần xác, giữa cái đẹp đẽ và xấu xa, giữa những điều thanh cao và tầm thường trong cuộc đời.

Đêm thơ nhạc kịch "Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi" - miền cảm xúc đặc biệt ảnh 4

Ca sĩ Mỹ Linh thể hiện ca khúc chủ đề "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi". (Ảnh: Ban Tổ chức)

Chương IV: “Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi” khép lại chương trình bằng một loạt ca khúc phổ thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Nếu ca khúc “Nhà chật” (nhạc Lê Tâm) kể lại cuộc sống gian khổ nhưng lãng mạn của gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ; thì “Thuyền và biển”, và đặc biệt “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” được Nguyễn Vĩnh Tiến phổ nhạc, qua giọng hát diva Mỹ Linh là lời khẳng định lần nữa về niềm tin bất diệt vào tình yêu và cuộc sống.