Đề xuất mới về ngừng bắn ở Gaza

Ngày 31/5, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, thảo luận đề xuất nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và bảo đảm việc trả tự do cho các con tin. Tại các cuộc điện đàm, quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, đề xuất này mang lại lợi ích cho cả Israel và cũng như Palestine, an ninh lâu dài của khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Người Palestine tập trung để nhận thức ăn do một bếp từ thiện nấu. Ảnh: Reuters
Người Palestine tập trung để nhận thức ăn do một bếp từ thiện nấu. Ảnh: Reuters

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, Israel đã đề xuất lộ trình hướng tới ngừng bắn toàn diện ở Gaza để đổi lấy hành động trả tự do cho các con tin Israel.

Lộ trình gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn đầy đủ và toàn diện, kéo dài 6 tuần. Trong khoảng thời gian này, các lực lượng Israel rút khỏi Gaza và các con tin gồm người cao tuổi, phụ nữ và người bị thương được trao đổi với hàng trăm tù nhân Palestine. Dân thường Palestine sẽ trở về Gaza và mỗi ngày sẽ có 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo được vào vùng lãnh thổ này. Trong giai đoạn 2, Israel và lực lượng Hamas đàm phán về các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn cuối bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.

Ngay sau khi Mỹ công bố đề xuất mới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã hoan nghênh, nhấn mạnh đây là cơ hội quan trọng nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza. Bà von der Leyen cho rằng, cách tiếp cận 3 giai đoạn này là cân bằng và thực tế, đồng thời mong muốn nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên.

Israel và lực lượng Hamas ra điều kiện

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không đồng tình với cách trình bày của Tổng thống Biden liên quan đến đề xuất hướng tới thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Ông Netanyahu cho rằng, việc chuyển giao giữa các giai đoạn theo lộ trình đề xuất phải gắn với điều kiện nhằm cho phép Israel duy trì các mục tiêu của mình. Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, ông Netanyahu đã ủy quyền cho nhóm đàm phán đưa ra đề xuất và tiếp tục nhấn mạnh chiến dịch quân sự chỉ kết thúc khi đạt được toàn bộ mục tiêu, trong đó có việc trả tự do cho tất cả con tin, phá hủy khả năng quân sự và bộ máy của Hamas.

Phong trào Hồi giáo Hamas cũng ra tuyên bố, khẳng định sẵn sàng tham gia một cách tích cực và theo hướng xây dựng với bất kỳ đề xuất nào dựa trên cơ sở một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza, Israel rút quân, tái thiết Gaza, người bị buộc di dời được trở về nhà và thỏa thuận trao đổi tù nhân được Israel cam kết rõ ràng.

Trong khi đó, quân đội Israel cho biết, trong chiến dịch quân sự tại Rafah, lực lượng nước này đã phát hiện các bệ phóng rocket, đường hầm; đồng thời phá bỏ kho vũ khí của Hamas. Israel đã triển khai chiến dịch trên bộ tại Rafah vào ngày 6/5 vừa qua, chủ yếu hoạt động tại khu vực phía đông, gần biên giới Ai Cập. Trong tuần này, các lực lượng Israel đã mở rộng sang phía tây thành phố. Quân đội Israel cũng thông báo chấm dứt các hoạt động tại khu vực trại tị nạn Jabalia, miền bắc Gaza.

Theo thống kê, kể từ khi nổ ra ngày 7/10/2023, xung đột đã khiến hơn 36.280 người Palestine chết, hơn 80.000 người bị thương, gây ra tình trạng cận kề nạn đói tại Gaza. Cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah càng làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở vùng lãnh thổ này. Đến nay, hơn 800.000 người trong tổng số khoảng 1,3 triệu người tị nạn ở Rafah tiếp tục phải di dời chỗ ở.

Nỗ lực mở lại cửa khẩu Rafah

Các hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ vào Rafah nói riêng và Gaza nói chung bị thu hẹp đáng kể, sau khi cửa khẩu nối Rafah và Ai Cập bị đóng do các cuộc tấn công của Israel. Không có xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo nào đi qua cửa khẩu này để vào Gaza kể từ đầu tháng 5 tới nay.

Ai Cập thông báo kế hoạch chủ trì cuộc họp với Mỹ và Israel tại Cairo vào tuần tới, thảo luận việc mở lại cửa khẩu Rafah. Cuộc thảo luận tập trung vào kế hoạch khôi phục hoạt động cửa khẩu Rafah mà không có sự hiện diện của quân đội Israel. Ngoài ra, 3 nước cũng thảo luận kế hoạch bảo đảm an ninh ở khu vực biên giới giữa Ai Cập và Gaza.

Trong khi đó, Liên hợp quốc cảnh báo, hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza không được chuyển tới những người có nhu cầu, đồng thời hối thúc Israel thực thi trách nhiệm pháp lý trong vấn đề này. Người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhấn mạnh, vấn đề chính hiện nay là hàng viện trợ không tới tay người dân. OCHA kêu gọi Israel tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng viện trợ qua biên giới. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng cảnh báo về tình hình nhân đạo thảm khốc tại Gaza và cho rằng cửa khẩu Rafah vẫn bị đóng là vấn đề rất lớn.

Ai Cập cho biết sẽ cùng Jordan phối hợp Liên hợp quốc đồng tổ chức một hội nghị quốc tế khẩn cấp vào ngày 11/6 tới, để tìm giải pháp cho khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường phối hợp các nỗ lực quốc tế nhằm ứng phó thảm họa nhân đạo đang bủa vây cuộc sống của khoảng 2,3 triệu người Palestine ở Gaza. Hội nghị cũng hướng tới việc xác định các biện pháp và thủ tục để giải quyết hiệu quả các nhu cầu của người dân Gaza.