Để xuất khẩu rau quả “đi được đường dài”

NDO - Rau quả được coi là một trong hai điểm sáng nhất trong xuất khẩu nhóm nông sản. Tuy nhiên, để xuất khẩu rau quả bền vững và đi “đường dài”, vẫn còn rất nhiều tồn tại cần khắc phục.
0:00 / 0:00
0:00
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thời gian qua
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thời gian qua

Xuất khẩu rau quả khởi sắc

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn trong ngành, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, Vina T&T là một trong 25 doanh nghiệp đầu tiên có mã số nhà máy đóng gói, vùng trồng. Doanh nghiệp khai thác rất hiệu quả lợi thế này và đều đặn mỗi ngày xuất khẩu 1 container sầu riêng sang thị trường tỷ dân.

Mới đây, trái dừa đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và Mỹ. Mặt hàng này trở lại các thị trường “khó tính” là tin vui với nông dân vùng dừa và với các doanh nghiệp, ông Tùng chia sẻ,

Tổng Giám đốc Vina T&T tiết lộ, hiện mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 16-20 container dừa sang Mỹ và đang chuẩn bị cho các đơn hàng đầu tiên ở thị trường Trung Quốc. Nhờ đó, đến thời điểm này, doanh thu của Vina T&T đã tăng hơn 40%, giá bán cũng ở mức tương đối cao. Đây là năm bội thu trong vòng 5 năm trở lại đây.

Cùng với Vina T&T, năm nay được coi là năm “bội thu” cho ngành rau quả Việt Nam. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng tới 70,3% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất. Đáng chú ý, dù còn 1 tháng nữa mới hết năm nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã lập kỷ lục khi lần đầu tiên cán mốc 5 tỷ USD.

Để xuất khẩu rau quả “đi được đường dài” ảnh 1
Cần đầu tư cho chế biến sâu để nâng cao giá trị xuất khẩu rau quả

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí số 1 với kim ngạch đạt hơn 3,4 tỷ USD (tính hết tháng 11), tăng tới 149% so cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 2 tỷ USD) và chiếm khoảng 65,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của các nước.

Cơ hội xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng khi trong thời điểm cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Việt Nam) và Tổng cục Hải quan (Trung Quốc) vừa ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nghị định thư là bước thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống này của Việt Nam và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước.

Theo Nghị định này, quả dưa hấu tươi của Việt Nam không được nhiễm 5 loài đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống mà Trung Quốc quan tâm bao gồm các loại ruồi đục quả Bactrocera correcta, Bactrocera zonata, Bactrocera latifrons, rệp Phenacoccus solenopsi và vi khuẩn Acidovorax avenae subsp.citrulli; lá hoặc đất.

Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Vườn trồng phải áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải đảm bảo giám sát vườn trồng và quy trình đóng gói tại cơ sở đóng gói.

Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo dưa hấu quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số.

Các lô hàng dưa hấu của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây; phải tiến hành kiểm dịch thực vật lấy mẫu 2% và phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc.

Như vậy, đến nay, Việt Nam có các loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư sang Trung Quốc gồm: Măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang, dưa hấu.

Cần hướng tới xuất khẩu bền vững

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ngành rau quả nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi ngày càng nhiều nước dựng nên các hàng rào kỹ thuật.

Đơn cử, với sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt nam chia sẻ, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian qua có sự tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn còn thấp so với Thái Lan và Malaysia. Xét theo tổng lượng nhập khẩu của thị trường 1,4 tỷ dân, thị phần của sầu riêng Việt Nam hiện chỉ chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan, Malaysia.

Đặc biệt, mới đây Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, cụ thể là tăng độ khô của cơm sầu riêng từ 32% lên 35% và thực hiện giám sát từng lô hàng để đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đề ra. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nông dân trồng sầu riêng và doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến cáo bà con tính đến yếu tố bền vững, tăng cường chất lượng về sản phẩm và về giống.

Hoặc với mặt hàng dừa, theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, Trung Quốc cũng sắp cho Việt Nam xuất chính ngạch dừa. Đây sẽ là loại trái cây được kỳ vọng nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD thời gian tới. Tuy nhiên hiện chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản, nghiên cứu kỹ về ngành hàng dừa. Các doanh nghiệp nhỏ khác thường không có nghiên cứu sâu về thị trường. Do đó, khi Trung Quốc mở cửa, cần kiểm soát chặt mặt hàng xuất khẩu dừa để đảm bảo uy tín với nước bạn.

Ông Nguyễn Đình Quý, Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK Thành Công VINA chia sẻ thực tế, doanh nghiệp đã tới từng thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tiêu chuẩn của họ đều rất khắt khe, không có chuyện thị trường nào “dễ tính” hay du di. Do đó, nông sản xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng. Cần tuyên truyền cho bà con nhân dân trồng đúng cách và đúng chất lượng.

Đặc biệt, nhiều ý kiến nhận định, việc đầu tư chế biến các sản phẩm hữu cơ, đặc biệt chinh phục các thị trường khó tính sẽ giúp ngành rau quả nước ta tăng trưởng hiệu quả và bền vững hơn.

Điển hình tại Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang, nhờ chế biến sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch, nên sản phẩm của đơn vị làm không đủ bán vì các đối tác như Nhật Bản, EU khá ưa chuộng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn xuất khẩu đi các thị trường lớn, rau quả Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của thị trường Mỹ, EU. Do đó, nông sản Việt ngoài bảo đảm chất lượng cần hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa. Ngoài ra, người dân cũng cần tập trung trồng loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.