Trong ba tháng còn lại của năm nay, xuất khẩu NLTS phấn đấu khoảng 9 tỷ USD, qua đó đạt mục tiêu 44 tỷ USD cho cả năm .
Mục tiêu này là một thách thức lớn, khi ngành nông nghiệp đang phải đối mặt nhiều khó khăn như: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu NLTS. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đang xuất hiện tại nhiều địa phương. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai dị thường, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân.
Các chuỗi sản xuất hồi phục chậm, nhân lực lao động thiếu, việc lưu thông NLTS có lúc bị ách tắc. Nhiều doanh nghiệp chế biến NLTS đang thiếu hụt vốn để có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai “Ba tại chỗ” ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ còn bất cập, phát sinh thêm chi phí; một số doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện vật chất để duy trì sản xuất. Quá trình vận chuyển vật tư ra vào khu vực sản xuất ở một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội còn gặp khó khăn.
Chi phí vận tải biển tăng, thậm chí còn cao hơn ở một số chặng mà doanh nghiệp không đặt được tàu và container để xuất khẩu. Giá thức ăn chăn nuôi, phân bón cũng tăng liên tục. Nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 cho người tham gia sản xuất, chế biến, thu hoạch, đóng gói, thu mua NLTS, vận chuyển lưu thông hàng hóa thì lớn nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ…
Theo ý kiến của các chuyên gia, để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như: Khắc phục ngay những vướng mắc trong sản xuất, chế biến NLTS, nhất là khâu lưu thông, không để gián đoạn chuỗi cung ứng. Tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đồng thời yêu cầu Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải lên phương án tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; xem xét hỗ trợ giảm ít nhất một nửa chi phí điện năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất, chế biến NLTS phải duy trì "Ba tại chỗ".
Phối hợp Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 cho công nhân sản xuất, chế biến NLTS nhanh hơn nữa để bảo đảm phục vụ sản xuất. Đồng thời cùng với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao tiếp tục cung cấp thông tin thị trường, tăng cường trao đổi với các thị trường nhập khẩu chính về thủ tục thông quan hàng hóa nông sản. Thúc đẩy thương mại nông sản, mở cửa thị trường với các nước như: Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Czech…
Hỗ trợ các doanh nghiệp để xuất khẩu nông sản đang vào vụ thu hoạch đạt tiêu chuẩn sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc. Các doanh nghiệp nên chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm việc tiêu thụ NLTS ngay cả khi dịch Covid-19 chưa được khống chế. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ, loại nông sản để điều tiết nguồn cung, tăng hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm thì mới có thể “cán đích” chỉ tiêu đề ra, góp phần đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.
ANH QUANG