Nông dân xuất hiện tâm lý ngại tái sản xuất sau dịch
Theo báo cáo Tổ công tác phía nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Hè Thu vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 1,28 triệu ha, năng suất đạt 56,6 tạ/ha, sản lượng đạt 7,2 triệu tấn. Diện tích còn lại sẽ thu hoạch trong tháng 9 là 230 nghìn ha, ước sản lượng 1,3 triệu tấn. Lúa Thu Đông đã gieo sạ 580.000 ha, đạt 83% so với kế hoạch, ước cả vụ sẽ xuống giống 700 nghìn ha.
Vụ lúa Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long là vụ lúa chính, diện tích gieo trồng khoảng 1,5 triệu ha với sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa. Đây là vụ có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, sản lượng nhiều, giá thành thấp, giá bán cao đáp ứng các mục tiêu về lợi nhuận, xuất khẩu, tăng trưởng và an ninh lương thực cho toàn vùng Nam Bộ. Giá trị lúa gạo ước đạt đến 60 nghìn tỷ đồng.
Do vậy, các nhu cầu vật tư nông nghiệp, lúa giống để cung ứng phục vụ cho sản xuất vụ lúa này cần được chuẩn bị sớm; trong đó cấp bách nhất là lúa giống để kịp thời vụ.
Vụ lúa Đông Xuân thường bố trí thời gian xuống giống sớm trong tháng 10 khoảng 250-300 nghìn ha để nhằm hạn chế suy giảm năng suất do ảnh hưởng của tình hình khô hạn và xâm nhập mặn có thể xảy ra cho các tỉnh vùng ven biển. Trong các tháng 11, 12, mỗi tháng xuống giống khoảng 600 nghìn ha, phần còn lại sẽ xuống giống trong tháng 1/2022.
Nhu cầu lúa giống cho cả vụ ước tính cần khoảng 200 nghìn tấn, trong khi năng lực các công ty sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cung ứng tối đa 100 nghìn tấn giống. Các hợp tác xã, hộ sản xuất giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng 50 nghìn tấn giống. Như vậy vẫn còn thiếu khoảng 50 nghìn tấn.
Về rau màu, tổng hợp sản lượng rau các loại từ tháng 9 đến tháng 12/2021 ước khoảng 1,95 triệu tấn, trong trường hợp việc phục hồi sản xuất được hỗ trợ sớm. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tâm lý nông dân, thiếu đầu tư trong các khâu chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và vận chuyển trái cây, rau màu. Tâm lý ngán ngại tái sản xuất sau dịch có thể dẫn đến việc thiếu hụt số lượng rau màu phục vụ Tết Nguyên đán.
Như vậy, sản xuất trồng trọt từ nay đến hết năm 2021 sẽ gặp khó khăn về khâu cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, chăm sóc cho sản xuất lúa, rau màu và các loại cây hằng năm khác.
Kiến nghị hỗ trợ lúa giống cho nông dân
Trước tình trạng thiếu lúa giống cho sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 ở ĐBSCL, Tổ công tác phía nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ lúa giống và kinh phí mua lúa giống cho nông dân.
Tổ công tác đề xuất kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 5.000 tấn lúa giống từ nguồn dự trữ Quốc gia cho các khu vực xuống giống rất sớm đầu tháng 10/2021 với khoảng 50 nghìn ha và hỗ trợ 50% nhu cầu lúa giống với khoảng 1.300 tỷ đồng cho các địa phương có lịch xuống giống vụ Đông Xuân trong tháng 10 và tháng l1/2021.
50% nhu cầu lúa giống còn lại cần cho sản xuất vụ Đông Xuân tại các địa phương khoảng 100 nghìn tấn, Tổ công tác đề nghị cho địa phương áp dụng Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng, đất trồng lúa hoặc huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án lồng ghép; các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa giống.
Các tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ lúa giống phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” hoặc “1 phải 5 giảm” để góp phần giảm lúa giống xác nhận còn 100 kg/ha.
Việc hỗ trợ lúa giống như trên nhằm bảo đảm cho sản xuất lúa Đông Xuân 2021-2022 được ổn định về diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng với tổng thu lại từ giá trị lúa thương phẩm được 60 nghìn tỷ đồng.
Ngoài việc hỗ trợ lúa giống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kiến nghị Chính phủ và các tỉnh Nam Bộ có chính sách hỗ trợ giống cho cây rau màu, cây hàng năm và các giống cho chăn nuôi, thủy sản.
Bên cạnh đó, để khôi phục, phát triển sản xuất nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2021, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, đáp ứng như cầu tiêu thụ, giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Tổ công tác cũng đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ có nghị quyết riêng của Chính phủ về khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp trong và sau dịch Covid-19. Trong đó, ưu tiên cho khôi phục sản xuất nông nghiệp trong phạm vi các tỉnh Nam Bộ để có căn cứ và cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các địa phương.
Để khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Chính sách này đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ sản xuất khi có thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh trên con người như dịch Covid-19 đã và đang có tác động tiêu cực lớn đến sản xuất nông nghiệp nhưng chưa được điều chỉnh trong nghị định trên. Vì vậy, Tổ công tác đề xuất Bộ đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung vào nghị định các nội dung sau: hỗ trợ giống để nông dân khôi phục sản xuất khi dịch Covid-19; hỗ trợ an sinh cho nông dân trong trường hợp địa phương chủ động cắt vụ, giãn vụ sản xuất.
Tổ công tác cũng kiến nghị Bộ chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình trong sản xuất nông, lâm, thủy sản thích ứng điều kiện dịch Covid-19; đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản để bảo đảm năng suất và chất lượng và đáp ứng yêu cầu thị trường.