Đề xuất đưa chỉ tiêu bác sĩ và điều dưỡng vào bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

NDO -

NDĐT - Thay vì đánh giá tiêu chí số giường bệnh trên một vạn dân, đại biểu Ngô Thị Kim Yến, đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho rằng, Chính phủ nên xem xét và xác định mục tiêu từng thời kỳ để đưa chỉ tiêu bác sĩ trên một vạn dân và chỉ tiêu điều dưỡng trên bác sĩ vào bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng.
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng.

Một trong năm chỉ tiêu vượt kế hoạch giao của Chính phủ thuộc về ngành y tế là chỉ tiêu giường bệnh trên một vạn dân đạt 27,5 giường bệnh, vượt so với kế hoạch là 27. Số giường bệnh đã tăng rất lớn qua hằng năm, trung bình cả nước có từ 10 nghìn đến 15 nghìn giường bệnh tăng trong một năm và có thể tính tương đương là 50 - 75 bệnh viện với quy mô 200 giường bệnh được thành lập mới trong một năm, với mục đích là giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện và chống nằm ghép.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng cho biết, nếu so sánh với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới thì Việt Nam tỷ lệ giường bệnh của chúng ta cao hơn rất nhiều. Ở các nước phát triển như Anh, Đan Mạch, Thụy Điển thì lại đặt mục tiêu về giảm giường bệnh. Thí dụ, ở Đan Mạch từ 30,7 giường bệnh/một vạn dân đã giảm xuống còn 21,6 giường bệnh/một vạn dân vào năm 2017; nước Anh từ 27,6 giường bệnh/một vạn dân đã giảm xuống còn 25,8 giường bệnh/một vạn dân năm 2017. Như vậy, khi tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân tăng có nghĩa rằng chúng ta sử dụng dịch vụ này càng tăng, tức là người đau ốm cũng nhiều hơn qua các năm.

Đại biểu này đặt ra câu hỏi “Việc tăng giường bệnh có phải là giải pháp lâu dài để giúp giảm quá tải bệnh viện, chống nằm ghép hay là mục tiêu lâu dài và bền vững của hệ thống y tế chính là cải thiện sức khỏe cộng đồng, nâng cao sức khỏe, đó là dự phòng để bệnh tật không xảy ra hoặc khi xảy ra thì cần được phát hiện sớm, quản lý, theo dõi, tư vấn, điều trị liên tục, đặc biệt đối với các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, trầm cảm?”.

Do đó, đại biểu Kim Yến cho rằng, chỉ tiêu giường bệnh trên một vạn dân cần được xem xét tổng thể trong các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khám bệnh, chữa bệnh. Ngành y tế cần tập trung quan tâm đến công tác sơ cấp cứu ngoại viện, các biện pháp để tăng cường phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế, quản lý, quản trị bệnh viện, ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu giảm số ngày nằm viện của người bệnh.

Về chỉ tiêu nhân lực y tế, có hai chỉ tiêu quan trọng đó là bác sĩ trên một vạn dân và điều dưỡng trên bác sĩ. Hiện nay, bác sĩ trên một vạn dân của chúng ta là 8,6 năm 2018, ít hơn từ 4 đến 9 lần so với các nước phát triển. Như tại Australia, tỷ lệ này là 48,3, Cuba là 67,2, Nga là 43. Việt Nam cũng chỉ có 1,8 điều dưỡng trên một bác sĩ và thấp nhất trong khu vực Đông - Nam Á, đa số đều có trình độ trung học là 66,9%. Trong khi đó, yêu cầu tối thiểu phải có từ 3 đến 3,5 điều dưỡng trên một bác sĩ. Bên cạnh việc thiếu hụt về số lượng thì tỷ lệ bác sĩ không được phân phối đồng đều ở tại các địa phương cũng như từng lĩnh vực. Đặc biệt với cơ chế tài chính về y tế như hiện nay thì lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở thiếu trầm trọng đội ngũ bác sĩ.

Vì vậy, đại biểu này đề nghị, Chính phủ nên xem xét và xác định mục tiêu từng thời kỳ để đưa chỉ tiêu bác sĩ trên một vạn dân và chỉ tiêu điều dưỡng trên bác sĩ vào bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. “Có như vậy, chúng ta mới có thể vừa đáp ứng được nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân, vừa giải quyết được những vấn đề về y tế dự phòng, y tế cơ sở, cải thiện được sức khỏe người dân một cách bền vững và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất”, đại biểu Kim Yến nói.