Ngày 9-11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết trách nhiệm trực tiếp là thuộc về người đứng đầu của các cơ quan, các lĩnh vực để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, thời gian qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung toàn diện của Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng mà trực tiếp và thường xuyên là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo, sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp, quyết liệt của Quốc hội và Chính phủ, sự vào cuộc đầy đủ, toàn diện của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nhân dân và báo chí thì công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần ổn định chính trị, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân và được quốc tế đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân là một vấn đề hết sức quan trọng và được Đảng cũng như nhân dân rất quan tâm.
“Trong Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rất rõ về những lĩnh vực, nguyên nhân và tình trạng nêu trên, cụ thể đã nêu trong chỉ thị rất rõ, nhưng có thể nói những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, những lĩnh vực cán bộ, công chức thiếu rèn luyện thì dễ xảy ra tham nhũng, thí dụ như những khu vực phục vụ dịch vụ công cho người dân”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) về việc “quét rác nhà mình trước rồi mới quét rác nhà người khác” cho biết, trong thời gian qua Ban cán sự Đảng của Bộ Nội vụ đã có ban hành Nghị quyết số 280 để giải quyết những vấn đề về trật tự, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị và thực hiện vấn đề chính trị nội bộ và thành lập một tổ công tác của Ban cán sự Đảng để giải quyết về vấn đề này.
“Trong thời gian qua, chúng tôi đã rà soát lại tất cả những đơn vị trực thuộc bộ có những vấn đề liên quan đến việc phải điều chỉnh theo Nghị quyết 280 này và tất cả những trường hợp này đều được xem xét, xử lý một cách công khai, minh bạch và đã tiến hành kỷ luật một số cán bộ, công chức, viên chức đã vi phạm. Điều chuyển, bố trí lại những vị trí không phù hợp và bảo đảm củng cố xây dựng nội bộ của từng đơn vị đoàn kết”, Bộ trưởng Nội vụ cho biết.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị nếu phát hiện cán bộ, công chức của ngành nội vụ vi phạm trong đạo đức công vụ hoặc là gây khó khăn trong thực hiện công vụ đối với các bộ, ngành, địa phương thì cung cấp thông tin cho Bộ trưởng.
“Chúng tôi sẽ cương quyết và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 6-11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, khẳng định, vấn đề tiêu cực của một số công an cơ sở, nếu có, là trường hợp hết sức cá biệt.
Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết trong xử lý các sai phạm, tiêu cực và đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ, không bao che bất kể trường hợp nào.
“Và một số các biện pháp cụ thể chúng tôi chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng công an cũng như công an ở cấp cơ sở là tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn lực lượng Công an nhân dân với quan điểm danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong nhiều lần làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương”, Bộ trưởng Công an cho biết.
Bộ trưởng Công an cũng cho rằng, phải gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cán bộ theo từng đơn vị, được phân công phụ trách. Nếu cán bộ có vi phạm, thì xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của những đơn vị đó.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong Công an nhân dân; kiên quyết xử lý các vi phạm, không bao che, né tránh, đồng thời công khai, minh bạch kết quả xử lý.
“Nhân đây, tôi cũng đề nghị nếu phát hiện ra những trường hợp công an có những tiêu cực, những vi phạm thì trao đổi với Bộ Công an ở mọi cấp. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những thông tin đó để xác minh, đánh giá và xử lý kịp thời, có thông báo rộng rãi với nhân dân”, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.