Khát vọng của Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi số
Tọa đàm trực tuyến "Why Việt Nam?" là diễn đàn chia sẻ Chiến lược quốc gia số của Việt Nam, khát vọng, mục tiêu, giải pháp, lộ trình chuyển đổi số và các lĩnh vực ưu tiên, thị trường số Việt Nam, cơ hội cho các tập đoàn công nghệ đầu tư vào các lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài tham gia vào quá trình phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Tọa đàm được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, ở nhiều điểm cầu và có sự kết nối, theo dõi của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên phạm vi 50 quốc gia tham dự sự kiện ITU Digital World 2020.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông khái quát những lĩnh vực Việt Nam sẽ ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vưc y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải…
Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, đồng thời nền kinh tế số chiếm 20% tổng giá trị quốc dân (GDP). Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiếu 10%, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiếu 7%.
Đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, dịch vụ 5G. 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về an toàn an ninh mạng.
Để đạt được những mục tiêu trên, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những định hướng và chiến lược rõ ràng cho chuyển đổi số để đưa Việt Nam trở thành nơi tốt nhất cho chuyển đổi số và đưa Việt Nam trở thành nơi tốt nhất cho các doanh nghiệp công nghệ đầu tư và phát triển. Theo đó, nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng định hướng và có những đầu tư chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, chính sách đầu tư để thu hút các doanh nghiệp số.
Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, do vậy cần phát triển nhiều công nghệ mới và hệ sinh thái doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể tham gia bằng cách chuyển giao công nghệ, xây dựng nhà máy, hợp tác với doanh nghiệp trong nước để kinh doanh.
Chia sẻ về Chương trình phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với tên gọi Make in Vietnam, ông Nguyễn Thanh Tuyên nhận định, trong 5 năm gần đây, ngành CNTT, điện tử viễn thông đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, đóng góp lớn cho doanh thu, xuất khẩu và nộp ngân sách trên 53 nghìn tỷ đồng với hơn 1 triệu lao động.
Nhằm tạo ra đột phá mới về cơ chế, chính sách, định hướng phát triển và bảo đảm nguồn lực nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành trong những năm tới, tận dụng những lợi thế của Việt Nam và cơ hội cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang tới, ngày 14-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Theo ông Tuyên, một số mục tiêu của chương trình là đến năm 2030, xây dựng ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông Việt Nam có tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp từ 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, 1,5 triệu nhân lực công nghệ số.
Điều kiện để Việt Nam thực hiện khát vọng số
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá, Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Các chủ trương tại Nghị quyết đã xác định Việt Nam cần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thiết kế, sản xuất và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Thiều Phương Nam, Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới bởi Chính phủ Việt Nam đang liên tục cải thiện các điều kiện đầu tư. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đang thu hút 38 tỷ USD đầu tư, trong đó Qualcomm mở rộng R&D và muốn đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chiến lược "Make in Vietnam" xây dựng các sản phẩm và đưa các sản phẩm ra nước ngoài.
Tham gia quá trình này, Qualcomm sẽ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ bản quyền công nghệ, nền tảng công nghệ, giúp các công ty công nghệ Việt Nam sản xuất, xuất khẩu sản phẩm di động, thiết bị 5G. Qualcomm cũng đặt mục tiêu hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để đưa ý tưởng công nghệ của Việt Nam ra với thế giới.
"Chúng tôi tự hào cùng DN Việt Nam sản xuất sản phẩm 5G khi có những thuận lợi như môi trường đầu tư, thuế, thương mại. Việt Nam cũng có nhiều nghị định thương mại với các khu vực, nước lớn trên thế giới. Năng lực của các kỹ sư của Việt Nam cũng rất tuyệt vời. Với môi trường tốt, chúng tôi đang hào hứng đầu tư vào Việt Nam. Qualcomm sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và cam kết mở rộng R&D".
Còn ông Denis Brunnetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Myanmar thì cho rằng, để phục vụ cho chuyển đổi số, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh mới của Việt Nam.
“Để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 52-NQ/TƯ đặt ra là kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, chiếm 30% vào năm 2030 (hiện mới chiếm 10% GDP), Việt Nam phải thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp”, ông Brunnetti chia sẻ.
Thời điểm vàng để doanh nghiệp IT đến Việt Nam đầu tư
Tại diễn đàn, các khách mời đã đưa ra những khuyến nghị có giá trị thiết thực để Việt Nam sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp CNTT trên toàn thế giới tới đầu tư, phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên nhấn mạnh, Việt Nam chính là điểm đến lý tưởng để lựa chọn hiện nay khi đang là ngôi sao sáng trong bối cảnh u ám của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam là điểm đến hàng đầu để đầu tư nói chung, đầu tư công nghệ số nói riêng.
Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn như: Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi, coi công nghệ số, ICT là lĩnh vực công nghệ cao cần phát triển; Hệ thống chính trị ổn định; Giá cả cạnh tranh; Cơ sở hạ tầng tốt, có nhiều khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao để các nhà đầu tư lựa chọn...
Thành phố Đà Nẵng đang là một khu trọng điểm công nghệ thông tin mới nổi và được kỳ vọng sẽ trở thành một Thung lũng Silicon của Đông Nam Á. Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư, UBND Thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Đà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn do dịch Covid-19 đem đến, Chính quyền thành phố đã có những chính sách tốt để phát triển Đà Nẵng thành đô thị thông minh và thành phố đáng sống tại Việt Nam. Đây là thời điểm vàng để đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào Đà Nẵng”.
Nhận định về những cơ hội đầu tư vào Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc điều hành Công ty NashTech Việt Nam cho biết: GDP của Việt Nam đã tăng va lần từ 2012 - 2019, tăng trưởng của nhiều DN theo cấp số nhân trong thời gian qua. Việt Nam có hơn 50 triệu người dân dùng internet, số lượng tải ứng dụng, giao dịch phi tiền mặt cũng đã tăng trong thời gian này.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, tổng giá trị giao dịch điện tử liên ngân hàng 5 tháng đầu năm 2020 đã tăng hơn 20%, cơ hội cho các công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, dữ liệu lớn… Thương mại điện tử cũng phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19. Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhiều khách hàng toàn cầu đã quan tâm đến Việt Nam.
Tại tọa đàm, đại diện một số tập đoàn lớn cho biết, họ không hề quan ngại khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng luôn cân nhắc cẩn thận để tính toán lĩnh vực đầu tư trong thời gian tới.