Phố đi bộ vắng khách

Được đưa vào hoạt động vài tuần nay, tuy nhiên phố đi bộ hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) chưa thu hút được nhiều người dân, du khách. Ghi nhận thực tế ở đây dịp cuối tuần, phố đi bộ không đến nỗi “vắng như chùa bà Đanh”, nhưng đúng là thưa vắng hơn nhiều so kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) thưa vắng khách vào tối cuối tuần.
Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) thưa vắng khách vào tối cuối tuần.

Cuối tuần... vắng hơn ngày thường

Phạm Huy Thông, con phố bao quanh hồ Ngọc Khánh từ lâu được biết đến là “phố cà-phê”. Như tên gọi, các quán cà-phê, giải khát xuất hiện trên cả dọc phố do nơi đây có “view hồ”, nhiều cây xanh và gió mát. Từ đầu tháng 10, khoảng 2/3 con phố này trở thành phố đi bộ mỗi cuối tuần. Bắt đầu từ 18 giờ thứ 6 đến 24 giờ chủ nhật hằng tuần, phố Phạm Huy Thông, các ngõ 535, 575, 523 Kim Mã và ngõ 998 La Thành tổ chức cấm đường đối với các phương tiện, phục vụ phố đi bộ.

Được biết, dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, tổ chức phố đi bộ quanh khu vực hồ Ngọc Khánh là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội, có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng từ ngân sách quận Ba Đình. So trước khi triển khai, diện mạo phố phường quanh hồ được cải thiện khá nhiều với vỉa hè lát đá mới, các tiểu cảnh trang trí, hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt...

Đặc biệt, không gian phố đi bộ hồ Ngọc Khánh được thiết kế với mong muốn tái hiện nét kiến trúc của Giảng Võ Trường, nơi luyện tập võ thuật, rèn binh pháp của các triều đại phong kiến xưa. Có thể nhận thấy điều này qua các trụ đèn trang trí bằng đá mang hình binh lính tập luyện, các bức tượng đá, hay những bộ cột với kiến trúc đấu củng cổ kính.

Được đầu tư kỹ lưỡng là thế, nhưng phố đi bộ Ngọc Khánh từ ngày mở cửa đến nay vẫn vắng người. Có mặt tại đây vào tối thứ 7, ngày 26/10, chúng tôi ghi nhận cảnh quán xá khá đìu hiu. Dưới lòng đường vắng vẻ, người đi bộ chủ yếu đi trên vỉa hè. Vài nhóm các cụ cao tuổi tập thể dục, vài gia đình trẻ đưa con đi chơi, vài ba khách “Tây” uống cà-phê trên vỉa hè...

“Đây là buổi tối, còn có người qua lại. Ban ngày thì vắng nữa!”, một nhân viên quán cà-phê trên phố Phạm Huy Thông nói. Theo đó, từ khi có phố đi bộ, lượng khách đến quán không những không tăng mà còn giảm mạnh so ngày thường. Bởi người dân quen tới đây bằng phương tiện cá nhân, nay phải gửi xe từ xa để vào phố đi bộ, họ ngại nên đi chỗ khác.

Anh Vũ Quốc Hoàng, một người dân ngoại tỉnh cho biết: Lần đầu đến phố đi bộ Ngọc Khánh, anh hơi hụt hẫng vì phố “ngắn và tối quá”. Do phố đi bộ được đặt sâu trong đường Phạm Huy Thông theo cả 2 lối từ Nguyễn Chí Thanh vào, nên chỉ dài khoảng 500-600 m. “Phố chưa đi đã hết, phía vỉa hè bên hồ rất tối, chỉ có ánh sáng từ các quán bên kia đường hắt sang là chính. Mà cũng không có dịch vụ gì ngoài mấy quán nước nên hơi đơn điệu”, anh Huy chia sẻ.

Cần những điều chỉnh phù hợp

Chừng 10 ngày sau khi đi vào hoạt động, phố đi bộ Ngọc Khánh vẫn vắng hoe, một phần do chưa có dịch vụ trông giữ xe. Gần đây, chính quyền phường đã cho tổ chức dịch vụ trông xe, thu giá hợp lý (5.000 đồng/xe máy) khiến lượng khách đến hồ có tăng, nhưng không nhiều. Bên cạnh đó, người dân phản ánh phố đi bộ còn một số bất cập cần điều chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thắng, 72 tuổi, người dân sinh sống lâu năm trong khu vực tỏ ra tiếc nuối: Trước, người cao tuổi chúng tôi có dãy ghế đá ven hồ để ngồi hóng mát. Nhưng từ ngày phường cải tạo phố để làm phố đi bộ, dãy ghế đá bị đem đi mất. Nay chúng tôi chỉ có thể ngồi trên bậc đá trên kè hồ, vừa không thoải mái, vừa không sạch sẽ.

Anh Trương Khắc Trung, Tổ an ninh trật tự cơ sở phường Ngọc Khánh cho biết, thời gian đầu vận hành phố đi bộ, nhiều người dân, hoặc nhân viên công ty trong phạm vi cấm phương tiện phàn nàn về việc bị ngăn đường về nhà, vào công ty. Một số người phản ứng gay gắt, khiến lực lượng chức năng buộc phải “xuống nước”, để họ đi xe máy vào trong khung giờ cấm, gây khó chịu cho khách đi bộ.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của phóng viên Thời Nay, dù không gian phố đi bộ đã tương đối khang trang, sạch sẽ, vẫn còn những hình ảnh không đẹp như hàng quán bày bàn ghế kín vỉa hè, xe máy, thậm chí xe rác để dưới lòng đường. Ngay bên ngoài khu vực ngăn đường, đoạn Phạm Huy Thông hướng ra Nguyễn Chí Thanh gần Ngọc Khánh Plaza, hàng quán hoạt động nhộn nhịp trên vỉa hè, trái ngược cảnh vắng vẻ trong phố đi bộ.

Theo một số chuyên gia kinh tế, đô thị, Hà Nội đang có xu hướng “đi bộ hóa các tuyến phố”. Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh là phố đi bộ thứ 2 được tổ chức trên địa bàn quận Ba Đình và là tuyến phố đi bộ thứ 7 của Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều người dân và du khách cho rằng, việc xây dựng đường ven hồ Ngọc Khánh thành tuyến phố đi bộ là chưa phù hợp, khi tuyến phố quá nhỏ, ngắn và thiếu hoạt động, dịch vụ đi kèm.

Tính rộng hơn trên địa bàn Thủ đô, Hà Nội cũng cần có các điều chỉnh để khai thác hiệu quả các tuyến phố đi bộ, trên cơ sở bảo đảm hài hòa các lợi ích thương mại với việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, hình thành các nét đặc trưng của từng không gian văn hóa, ẩm thực trên phố đi bộ. Qua đó, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

Hiện nay, phố đi bộ hồ Ngọc Khánh vẫn đang trong thời gian hoạt động thí điểm. Theo kế hoạch, chính quyền phường sẽ triển khai chợ hàng hóa, sản phẩm OCOP, kết hợp hoạt động văn hóa, văn nghệ đường phố vào ngày cuối tuần và kỳ lễ hội để thu hút thêm người dân và du khách.