Đề thi phù hợp điều kiện dạy và học

NDO -

Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cho nên việc dạy học của các trường trên cả nước bị ảnh hưởng lớn, học sinh phải nghỉ học kéo dài. Vì vậy, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay được Bộ  Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) xây dựng phù hợp với nội dung đã tinh giản chương trình, đồng thời phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi môn Ngoại ngữ tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ
Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi môn Ngoại ngữ tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ

Nhận xét đề thi môn Ngữ văn, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) Đỗ Thị Thanh Hoa cho rằng: Đề thi không khó, không gây bất ngờ, vừa sức học sinh và nằm trong trọng tâm của học kỳ I. Đây là một đề khá hay, học sinh có thể liên hệ thực tiễn trong phần nghị luận xã hội. Đề cũng mang tính giáo dục cao về tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm, lòng tự tôn của thế hệ trẻ với đất nước, phù hợp và ý nghĩa trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, trong phần nghị luận văn học hơi dài, nếu học sinh không tập trung sẽ không đủ thời gian làm bài…

Thí sinh Vũ Hoàng, học sinh Trường THPT Hàng Hải (Hải Phòng) cho biết, đề Ngữ văn năm nay không khó và nằm trong nội dung đã được ôn tập. Nội dung đề đã khơi dậy niềm tự hào, cũng như trách nhiệm xã hội trong bản thân mỗi học sinh chúng em, nhất là trong thời điểm cả nước đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với bài thi Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, so với đề thi năm ngoái, đề thi năm nay nhẹ nhàng hơn, đúng với tinh thần của kỳ thi tốt nghiệp và trong hoàn cảnh thí sinh phải học tập và ôn luyện trong đại dịch Covid-19. Cô giáo Vũ Thị Thu Hà, Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét: Cấu trúc đề thi môn Hóa học năm nay bám sát đề thi tham khảo lần hai của Bộ GD và ĐT. Đề thi có sự phân hóa rõ, 30 câu đầu, học sinh hoàn toàn có khả năng làm được nếu chăm chỉ, những câu hỏi ở mức độ vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải thật sự vững vàng kiến thức cũng như phải có kỹ năng tính toán tốt. Thí dụ, câu hỏi về muối ngậm nước là câu hỏi khá lạ, học sinh không có sẵn công thức muối để thử, cho nên việc tính toán sẽ khó khăn hơn. Có ba câu hỏi liên quan đến kiến thức thực tế và môi trường, là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Và hai câu hỏi về thí nghiệm thực hành, yêu cầu học sinh phải có kỹ năng thực hành tương đối tốt mới làm được. Với nội dung đề thi năm nay, theo cô giáo Vũ Thị Thu Hà, phổ điểm trung bình từ 5 đến 7,5 điểm, có độ phân hóa cao bảo đảm đáp ứng hai tiêu chí xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Đối với môn Địa lý, giáo viên Lê Phượng Loan, Trường THPT Vinschool (Hà Nội) cho rằng, nội dung đề thi bám sát kiến thức trọng tâm của lớp 12. Đề không xuất hiện các phần kiến thức, kỹ năng liên quan đến lớp 11. Các kỹ năng chuyên biệt được kiểm tra toàn diện, với hệ thống nhiều câu hỏi sử dụng Atlat địa lý Việt Nam, đọc và phân tích biểu đồ, bảng số liệu.Nhiều câu hỏi lý thuyết khác học sinh vẫn có khả năng sử dụng Atlat và kiến thức thực tiễn để trả lời. Điều đó giúp học sinh giảm được việc ghi nhớ đơn thuần mà phải học hiểu, liên hệ thực tế và rèn luyện các kỹ năng chuyên biệt. Các câu hỏi để phân hóa được năng lực học sinh đòi hỏi học sinh phải có năng lực tư duy tổng hợp và phân tích tốt. Đề thi không có câu hỏi đánh đố, lắt léo. Việc ra đề thi sáng rõ nhưng vẫn có khả năng phân hóa, giúp cho việc xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH thuận lợi.

Nhận xét về môn Giáo dục công dân, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết: Nhìn chung, đề thi đánh giá được năng lực học sinh, có nhiều câu hỏi tình huống hay, gắn liền với thực tiễn, học sinh có thể dễ dàng trả lời. Với mã đề 301, cụ thể trong câu 113 có câu hỏi về các nhân viên y tế đã luôn tiên phong trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Với câu hỏi này không chỉ giúp thí sinh hiểu được đóng góp của những người tiên phong trong công cuộc phòng, chống dịch mà còn khắc sâu về một quyền quan trọng của công dân, đã được học trong chương trình giáo dục công dân lớp 12 là quyền tự do ngôn luận. Hoặc câu 114, hỏi về một việc làm nhân văn, ý nghĩa của một công dân dùng tiền tiết kiệm của mình để hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho trẻ bị hở hàm ếch. Với những câu hỏi như vậy đã đạt được mục tiêu kép, vừa giáo dục được đạo đức, ý thức công dân, vừa gắn liền với bài học trong chương trình. Với cách ra đề môn Giáo dục công dân năm nay, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể đạt được 8 điểm.

Có thể thấy đề thi năm nay đã bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng tinh giản chương trình, không đánh đố thí sinh, nhất là phù hợp với điều kiện dạy và học trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở học kỳ II. Đề thi phù hợp với chương trình Bộ GD và ĐT đã tinh giản, các câu hỏi phần lớn ở mức độ nhận biết và thông hiểu, nhiều câu hỏi về thí nghiệm thực hành hay, có câu hỏi mang tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020